|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sữa ngoại “nín thở” chờ cơ chế điều hành giá mới

11:41 | 24/01/2017
Chia sẻ
Mới đây, chỉ sau vài ngày nhận bàn giao quản giá sữa từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã ra quyết định kéo dài thời gian bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tới hết tháng 3/2017. Quyết định này khiến người tiêu dùng lo lắng, thời gian tới giá sữa sẽ lại "nhảy múa" chóng mặt như trước đây.
sua ngoai nin tho cho co che dieu hanh gia moi
Bộ Tài chính chưa tiết lộ cơ chế điều hành mới sau khi thời hạn áp giá trần sữa kết thúc hết tháng 3/2017.

Giá sữa bớt “tung hoành” sau bình ổn Việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng từ 1/6/2014 theo Quyết định 1079/2014 do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10- 15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn.

Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá các sản phẩm sữa nhìn chung trên thị trường đã giảm, chấm dứt tình trạng giá sữa biến động theo chiều hướng liên tục tăng trong thời gian trước. Người tiêu dùng đã được hưởng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm nhiều hơn so với thời gian trước khi bình ổn giá và đặc biệt, được giữ ổn định liên tục trong một thời gian dài. Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Minh Thu (An Dương, Hà Nội) khá ủng hộ phương án áp trần giá sữa. Theo chị Thu, trước khi chưa áp giá trần, giá sữa bột Nan liên doanh được chị mua với giá trên 400.000 đồng/hộp 900g, hiện khoảng 340.000 đồng/hộp, tùy chủng loại. Còn chị Hà Phong (Minh Khai, Hà Nội) lại lo ngại, sau khi hết thời hạn áp giá trần, giá sữa liệu có “nhảy múa” như trước kia. “Gia đình tôi có 2 con nhỏ đang có nhu cầu sữa lớn nên chi phí mua sữa chiếm rất lớn trong cơ cấu chi tiêu sinh hoạt của gia đình”, chị Phong nói. Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm này, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện kiểm soát, quản lý đối với toàn bộ hơn 900 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chủ động đăng ký, kê khai giá bán ra sản phẩm trong phạm vi mức giá tối đa quy định. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhập khẩu sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã chủ động đăng ký, kê khai giảm giá trước thời hạn quy định, đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thêm nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới có sự thay đổi về quy cách, mẫu mã, chất lượng đã xác định giá bán buôn tối đa theo đúng phương pháp hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện đãng ký giá, kê khai giá với cơ quan quản lý giá, như: Công ty TNHH Mead Johnson Nutritions (Việt Nam), Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam... Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, cũng có một số trường hợp có biểu hiện doanh nghiệp đăng ký, kê khai là sản phẩm mới. Cơ quan quản lý giá đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, đảm bảo các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi không có sự thay đổi về quy cách, mẫu mã, chất lượng vẫn được bán với mức giá đã công bố. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 5,95- 24% so với trước thời điểm thực hiện bình ổn giá và được giữ ổn định liên tục cho đến nay. Có nên "cởi trói" giá sữa? Tuy nhiên, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG)- Tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ đại diện 6 công ty sữa đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt ở Việt Nam lo ngại, việc Nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn hạn và trung hạn của doanh nghiệp mà cỏn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

Theo các thành viên của NFG, sau khi Quyết định 1079 được ban hành, thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi đã sụt giảm 11% về số lượng so với các năm trước. Vì vậy, các thành viên NFG đã đề xuất: Cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và không kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa hiện hành hoặc không ban hành các biện pháp quản lý giá khác; xác định rõ mục đích và đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ công tác bình ổn giá của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết theo NFG, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu “đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người” như quy định trong Luật giá; xem xét việc giảm giá các yếu tố cấu thành giá như thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng như làm một phương thức hỗ trợ giảm giá sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi. Liên quan tới vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, việc áp giá trần sữa chỉ nên được coi là một biện pháp nhất thời khi thị trường có biến động bất thường. Khi thị trường hoạt động bình thường thì phải gỡ bỏ biện pháp này. “Cạnh tranh trên thị trường sữa luôn gay gắt, tùy theo cung cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng mà doanh nghiệp quyết định giá bán nhằm đảm bảo đầu ra, lợi nhuận. Việt Nam đã mở cửa thị trường nên việc để thị trường quyết định giá sữa sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong cạnh tranh”, đại diện một doanh nghiệp sữa ở Hà Nội nói. Còn theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm, với một doanh nghiệp mới tham gia thị trường sữa sẽ tốn chi phí khấu hao tài sản và thiết bị cao hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn đã hoạt động vài chục năm. Doanh thu của công ty nhỏ cũng nhỏ hơn công ty lớn nhưng chi phí quản lý thì cao hơn. Do đó, doanh nghiệp nhỏ muốn cạnh tranh được thì phải đầu tư sáng tạo, làm ra sản phẩm cao cấp hơn, tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, quy định buộc doanh nghiệp nhỏ bán hàng theo giá tham chiếu của doanh nghiệp lớn là vô lý. Bị buộc vào giá trần, doanh nghiệp không thể chủ động đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng hơn nên rất khó bán hàng. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, việc áp trần giá sữa chỉ là biện pháp hành chính nên hiệu quả sẽ không cao và không căn cơ để ổn định thị trường. “Về lâu dài, chúng ta phải sắp xếp lại tổ chức sản xuất và hệ thống phân phối; cần có cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất tăng thêm sữa bột Hiện nay chúng ta chiếm chủ yếu phần lớn là sữa nước. “Đặc biệt chúng ta phải tổ chức các chuỗi phân phối có hiệu quả, đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ để giảm bớt khâu trung gian; kiểm soát được giá thành, nhất là các nhà nhập khẩu. Ví dụ cần tận dụng hệ thống mạng lưới phân phối rộng trên toàn quốc của các tổng công nhà nhà nước để sản phẩm sữa có giá bán hợp lý đến tay người dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cục quản lý giá, cơ quan thuế, thương vụ nước ngoài, hải quan phối hợp với nhau để giá sữa được minh bạch hơn”, ông Phú nói.

Minh Phương

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.