|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự thoái trào của Volkswagen, Nissan, Huyndai và Toyota tại Trung Quốc

07:48 | 20/11/2023
Chia sẻ
Các thương hiệu Trung Quốc đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi động cơ đốt trong sang các phương tiện sử dụng năng lượng mới, đưa nhiều hãng xe hơi truyền thống vào thế khó.

Theo phân tích của CNBC về 10 thương hiệu ô tô toàn cầu đang kinh doanh tại Trung Quốc, gã khổng lồ ô tô Đức - Volkswagen không còn đơn độc trong cạnh tranh với các hãng xe điện.

Nissan dự kiến có năm kinh doanh tồi tệ nhất trên thị trường Trung Quốc kể từ 2009, trong khi hãng xe Hàn - Huyndai cũng ghi nhận doanh số kém tích cực trong giai đoạn này.

Nhà sản xuất hàng đầu thế giới Toyota được dự báo sẽ có năm tồi tệ nhất về tổng doanh số bán hàng tại Trung Quốc kể từ 2020 với khoảng 1,8 triệu chiếc xe được bán ra. Công ty Nhật Bản cũng đang loay hoay với chiến lược xe điện của mình.

Những khó khăn mà các hãng xe truyền thống gặp phải xảy ra khi Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang phương tiện sử dụng năng lượng mới (xe điện, xe lai hybrid).

Thị trường xe hơi lớn nhất thế giới đang là mảnh đất lành cho xe chạy bằng pin điện và động cơ hybrid - nơi mà Tesla cùng các thương hiệu nội địa Trung Quốc tranh giành nhau thị phần.

Tại Trung Quốc, các phương tiện chạy bằng năng lượng mới đã chiếm hơn 1/3 số ô tô mới được bán ra trong năm nay. Thông tin được Hiệp hội Xe khách Trung Quốc đưa ra và tổ chức này cũng dự đoán thị trường ô tô trong nước sẽ tăng trưởng 20% ​​trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.

 Mẫu xe điện ID.6.X của Volkswagen. (Ảnh: Nikkei Asia),

Dù Volkswagen vẫn đang duy trì vị thế là gã khổng lồ trên thị trường ô tô Trung Quốc với khoảng 3 triệu xe bán ra mỗi năm, song thương hiệu Đức chưa đạt được nhiều sự chú ý trong lĩnh vực ô tô điện. Vào tháng 7, công ty đã chọn đầu tư khoảng 700 triệu USD vào công ty khởi nghiệp xe điện Xpeng để cùng phát triển hai mẫu ô tô nội địa Trung Quốc.

Ông Alvin Liu, nhà phân tích của Canalys, cho biết ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường. Ông chỉ ra rằng với doanh số khoảng 2 hoặc 3 triệu chiếc, BYD sẽ chiếm được một thị phần đáng kể trong thị trường xe năng lượng mới quy mô 8,5 triệu chiếc của Trung Quốc.

Giữa bối cảnh đó, các thương hiệu ô tô truyền thống của nước ngoài đang trở nên kém sức hút hơn khi người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chuộng ô tô điện hơn.

Một cuộc khảo sát của Bernstein với hơn 1.500 người tiêu dùng ở Trung Quốc vào tháng 8 và tháng 9 cho thấy BYD là thương hiệu hàng đầu mà người mua xe điện Trung Quốc sẽ cân nhắc, tiếp theo là Tesla và Nio.

"Khi nhắc tới lựa chọn cho lần mua xe tiếp theo, ngoại trừ Tesla, tất cả các thương hiệu nước ngoài đều chứng kiến sức hút giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các thương hiệu Nhật Bản (chẳng hạn Toyota, Honda, Nissan) giảm nhiều nhất”, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, báo cáo của Bernstein chỉ ra rằng giới trẻ Trung Quốc cũng giảm sự quan tâm đối với các thương hiệu cao cấp của Đức. Tesla với dải sản phẩm xe điện trở nên hấp dẫn hơn so với thương hiệu cao cấp của Đức lẫn các tên tuổi nước ngoài khác.

Khi các hãng xe hơi truyền thống đang loay hoay tìm giải pháp, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến vô cùng khốc liệt. Tháng 7, BYD ra mẫu Denza N7 để tiếp tục cạnh tranh với Tesla, đồng thời nhắm tới thị trường ô tô hạng sang với mức giá hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 138.000 USD) cho một chiếc YangWang U8.

Ông An Conghui, Chủ tịch của hãng xe điện Zeekr thuộc Geely cho biết mẫu Zeekr 001 FR vừa ra mắt là chiếc xe thể thao chạy điện cạnh tranh trực tiếp với Model S Plaid của Tesla.

Ông An tuyên bố rằng không có công ty ô tô nào có thể sao chép 001 FR trong vòng 5 năm và mức giá rẻ hơn so với Tesla cũng củng cố cho sự tự tin của vị Chủ tịch. Zeekr đã lập kỷ lục giao hàng vào tháng 10 với hơn 13.000 xe tại Trung Quốc. Công ty đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ để bán ở châu Âu và Trung Đông trong hai năm tới.

BYD và các thương hiệu khác cũng đang xuất khẩu ô tô điện ra nước ngoài nhiều hơn, đưa Trung Quốc trên đà trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản và Đức.

Trước sự "bành trướng" này, tháng 9, Liên minh châu Âu đã phát động một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các công ty xe điện Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang có sức ảnh hưởng lớn như thế nào ở thị trường quốc tế.

Thùy Trang