|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup Việt Nam vẫn đang chờ 'nóng máy'

22:10 | 04/06/2019
Chia sẻ
Tại Việt Nam, thị trường startup trong nước chỉ mới hoàn thiện các thành phần của hệ sinh thái từ năm 2016 và mới qua giai đoạn khởi động, chuyển sang giai đoạn đi ra toàn cầu.

Theo Báo cáo hệ sinh thái startup toàn cầu 2018, thực hiện bởi Genome, ngành truyền thông số, chăm sóc sức khỏe, AI & Big Data, cùng Fintech đang là các lĩnh vực được các doanh nghiệp quan tâm, cũng như đầu tư nhiều nhất.

Genome phân loại các startup theo 3 làn sóng khởi nghiệp. Làn sóng đầu tiên là thời điểm các công ty như AOL kiến tạo nên nền tảng Internet. Làn sóng thứ hai thì được dẫn dắt bởi những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ như Google, Facebook.

Còn làn sóng thứ ba chính là thời điểm hiện tại. Theo Genome, đặc trưng của làn sóng khởi nghiệp thứ ba là việc các startup đi vào chu trình nghiên cứu, tìm tòi có chiều sâu chuyên môn ở một thị trường nhất định, có thể là thị trường ngách.

Đại diện cho các startup thế hệ thứ ba là những nhà sáng lập có kinh nghiệm, chuyên môn, trình độ cao, với tuổi đời còn khá trẻ (trung bình 39 tuổi). Nhưng cũng vì sự non trẻ, nên quy mô các vòng gọi vốn của các startup này khá khiêm tốn.

Số liệu từ Centro Venture của Singapore vào năm 2017 chỉ ra, tại Đông Nam Á, số thương vụ gọi vốn thành công chủ yếu ở giai đoạn ươm mầm và giai đoạn đầu (seri pre-A và A), chiếm tới khoảng 80% số giao dịch thành công.

Vốn đầu tư cho startup giai đoạn ươm mầm (Pre-A) trung bình 600.000 USD, giai đoạn A là 2,1 - 2,8 triệu USD, giai đoạn B có mức đầu tư rất linh hoạt và giá trị từ 8 triệu USD trở lên trong khoảng 3 năm gần đây.

Nổi bật trong số này vẫn là những cái tên quen thuộc như: Grab - lĩnh vực gọi xe, Lazada - thương mại điện tử, Go-Jek - lĩnh vực gọi xe, Sea - game, thương mại điện tử, Tokopedia - thương mại điện tử, Traveloka - du lịch...

Tại Việt Nam, thị trường trong nước chỉ mới hoàn thiện các thành phần của hệ sinh thái từ năm 2016, và mới qua giai đoạn khởi động, chuyển sang giai đoạn đi ra toàn cầu.

Đề án 844 của Bộ KH&CN đánh giá, hệ sinh thái startup tại Việt Nam cấu thành bởi 5 yếu tố: doanh nghiệp/startup, tài chính, chính sách, truyền thông và trung gian. Hàng năm, có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng chỉ 3% số này gọi vốn thành công. Khoảng 80% startup không có sinh nhật lần thứ 2, theo Topica Founder Institute.

Điểm sáng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là các startup đầu ngành hiện vẫn tăng trưởng, tiếp tục gọi vốn và mở rộng thị phần. Có thể kể đến những cái tên như: Tiki, Momo, GotIt, Foody, F88, Logivan, Luxstay...

Một tín hiệu đáng mừng khác là năm qua, giới khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Hay gần đây, quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup - Vingroup Ventures cũng công bố ngân sách đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Sự hiện diện của các nhà đầu tư cho khởi nghiệp cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Việt Hưng