SSI: Tiến độ đàm phán và phê duyệt việc thoái vốn tại FCCOM của MSB có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của nhà băng này có thể đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán đã loại trừ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại FCCOM ra khỏi mô hình định giá do phần lo ngại về tiến độ đàm phán và quy trình phê duyệt có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Vào tháng 5/2022, MSB và các nhà đầu tư tiềm năng khác đã hoàn tất quá trình thẩm định về việc thoái vốn 100% của MSB tại FCCOM, nhưng có một số điều kiện cần được đàm phán như danh mục cho vay, đội ngũ nhân viên, phê duyệt hồ sơ pháp lý từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các điều khoản thanh toán. Ban lãnh đạo nhận định khá kiên quyết rằng giao dịch này sẽ đóng góp khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng vào lợi nhuận.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán mang lại khoản thu nhập khả quan cho MSB.
Theo đó, MSB đã tiếp cận các công ty xuất nhập khẩu để cung cấp các dịch vụ liên quan đến thanh toán quốc tế và các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, MSB cũng tập trung cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho các Trung tâm Tư vấn Du học.
Kết quả là, MSB ghi nhận mức tăng trưởng ba con số, tăng 181% so với cùng kỳ, từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu về 561 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các chuyên gia cho rằng MSB có thể duy trì được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 khi tiếp tục triển khai chiến lược này.
Mặc dù lợi suất trái phiếu tăng nhưng MSB vẫn ghi nhận khoản lãi vượt trội từ việc bán đi 3.100 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, thu về 661 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022 (so với khoản lỗ 8,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021).
Mặt khác, chuyên gia ước tính MSB sẽ đạt khoảng 70 tỷ đồng thu nhập từ bancassurance (tương đương khoảng 12% thu nhập phí thuần) trong 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù con số này còn khá khiêm tốn nhưng SSI cho rằng thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ tăng dần trong 6 tháng cuối năm, do công ty chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn.
Tỷ lệ nợ xấu có khả năng tăng lên trong nửa cuối năm 2022
Mặc dù chất lượng tín dụng của MSB được cải thiện đáng kể trong quý II, nhóm chuyên gia vẫn lo ngại về tỷ trọng cho vay lĩnh vực xây dựng và bất động sản vẫn còn ở mức cao, cũng như khả năng thanh toán các khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi thông tư 14 hết hiệu lực. Do đó, tỷ lệ nợ xấu có khả năng tăng lên trong nửa cuối năm 2022
Trong kỳ, ngân hàng ưu tiên tái cấu trúc tài sản, nhưng tỷ trọng dư nợ bất động sản vẫn ở mức cao. Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 113.500 tỷ đồng với tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà, cho vay xây dựng và bất động sản trong tổng dư nợ lần lượt đạt khoảng 13,6% (15.000 tỷ đồng), 12% (13.200 tỷ đồng), và 9,7% (10.700 tỷ đồng).
SSI cho biết MSB đang tập trung cho vay mua nhà dự án như dự án Grand Palace Thái Bình của TNR Holdings. Thời gian ân hạn của các khoản vay mua nhà dự án này có thể lên đến hai năm.
Trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được quản lý chặt chẽ, MSB đã chủ động bán đi trái phiếu doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro xuống còn 2,7% tổng tín dụng (từ 3,2% trong quý I/2022) tương đương 3.000 tỷ đồng.
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu gồm 1.300 tỷ đồng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, 1.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản và 500 tỷ đồng cho lĩnh vực xây dựng.