|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SSI Research: Nguồn cung ngoại tệ sẽ cải thiện khi mở cửa biên giới từ 15/3

18:34 | 07/03/2022
Chia sẻ
SSI Research cho biết áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua. Dòng tiền ngoại tệ có thể phần nào đc hỗ trợ từ việc mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế vào ngày 15/3.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 28/2 - 4/3, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng. 

Tâm điểm chú ý trong tuần qua là giá vàng trong nước đã thiết lập đỉnh lịch sử, với mức tăng 3,3% trong 1 tuần và giao dịch ở mức 66,9-67,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được nới rộng lên 14 triệu/lượng.

Về mặt tích cực, dòng tiền ngoại tệ có thể phần nào đc hỗ trợ từ việc mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế vào ngày 15/3.

Trên thị ngoại hối, trong tuần qua, đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.850/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 20 đồng, kết tuần ở mức VND 22.670-22.980. 

Tỷ giá trên thị trường tự do không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23.460-23.510. 

SSI Research: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới lên 14 triệu/lượng, áp lực đối với đồng VND xuất hiện - Ảnh 1.

Nguồn: SSI.

Theo dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ, tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối 2021, thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay.

Như vậy, dư nợ tín dụng đã giảm 96.000 tỷ đồng so với tháng 1 và có thể được giải thích bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên Đán đến hoạt động tín dụng, trong đó nhu cầu thường tăng mạnh trước Tết, và sau Tết hạ nhiệt dần.

Thứ hai, thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực là giữa tháng 1 và doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu trước thời điểm này. Số trái phiếu này sau đó sẽ được phân phối, do đó có thể dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.

Nhìn chung, nhóm chuyên gia vẫn duy trì quan điểm là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng vào năm 2022 được kỳ vọng vào khoảng 14 - 15%.

NHNN tiếp tục bơm ròng vào thị trường

Trong tuần trước, thanh khoản trong hệ thống được cải thiện và NHNN bơm 678 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm và đưa tổng lượng tín phiếu đang lưu hành vào khoảng 1,.500 tỷ đồng. 

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,37% (giảm 0,11 điểm %) và kỳ hạn một tuần 2,4% (giảm 0,12 điểm %). 

Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,64% và đường cong quay trở lại bình thường. 

Trong tháng 3, áp lực thanh khoản vào giai đoạn cuối quý nhiều khả năng sẽ quay trở lại và có thể khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao như hiện tại.

SSI Research: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới lên 14 triệu/lượng, áp lực đối với đồng VND xuất hiện - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg, NHNN, SSI.

Phương Nga

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.