SSI Research: Mảng đường và điện sinh khối có thể góp hơn 300 tỷ vào lợi nhuận QNS từ mức lỗ năm 2020
Tăng cường quảng cáo giúp QNS cũng cố thị phần sữa đậu nành
Cập nhập thông tin kinh doanh từ CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) cho biết, doanh thu 8 tháng đầu năm của QNS đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 860 tỷ đồng, tăng 20%.
Trong đó, doanh thu sữa đậu nành đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 5%, do sản lượng tiêu thụ tăng 8% và giá bán trung bình giảm 3% so với cùng kỳ. Theo SSI Research, so với cơ sở so sánh thấp trong quý III/2020 do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 tại miền Trung, đây là kết quả tốt nhờ thúc đẩy các hoạt động quảng cáo của công ty tại nhiều kênh phân phối để đẩy mạnh doanh thu trong mùa dịch.
SSI Research cho rằng, thị phần sữa đậu nành đóng hộp tiếp tục tăng lên mức 91% trong tháng 8.
Doanh thu từ đường đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ, do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán trung bình cùng tăng lần lượt 31% và 32%.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, LNTT mảng sữa đậu nành đạt 548 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, trong khi mảng đường đạt 192 tỷ đồng.
Mảng đường và điện sinh khối lãi lớn từ mức lỗ năm 2020
Theo ước tính của SSI, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Đường Quảng Ngãi có thể đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Năm 2022, doanh thu QNS có thể đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 25%.
Ở mảng sữa đậu nành, SSI Research ước tính sản lượng tiêu thụ tăng 3,3% trong năm 2021 và phục hồi 6,7% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận gộp có thể đạt 40,1% năm 2021 so với 44,4% trong năm 2020 do giá đậu nành, đường và chi phí đóng gói tăng mạnh. Ước tính LNST của mảng sữa đậu nành có thể giảm 11% trong năm 2021 trước khi phục hồi 18% trong năm 2022.
Ở mảng đường, SSI Research ước tính sản lượng đường RS trong năm 2021 có thể đạt 105.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ và tăng 50% lên 158.000 tấn trong năm 2022. Giá đường RS có thể đạt gần 17 triệu đồng/tấn năm 2022, tăng 2,5% so với 2021.
Đối với đường RE, dây chuyền sản xuất bắt đầu đi vào hoạt động thương mại từ ngày 1/7, công ty đang có kế hoạch đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường. SSI giả định sản lượng tiêu thụ đường RE đạt 33.000 tấn trong năm 2021 và 95.000 tấn năm 2022; giá đường RE có thể đạt 17,5 triệu đồng/tấn trong năm 2022.
Về tổng thể mảng kinh doanh đường và điện sinh khối, SSI ước tính Đường Quảng Ngãi sẽ đạt 317 tỷ đồng LNTT, so với âm 40 tỷ đồng trong năm 2020, và năm 2022 có thể đạt 528 tỷ đồng, tăng 66% so với 2021.
Cho niên vụ 2022 - 2023, Đường Quảng Ngãi kỳ vọng diện tích trồng mía tiếp tục tăng 40%. Còn theo nhận định của SSI, trong số các công ty sản xuất đường, Đường Quảng Ngãi sẽ đạt sản lượng mía nguyên liệu đầu vào tăng lớn nhất trong năm tới, 50% so với cùng kỳ.
Với lượng mía nguyên liệu đầu vào tăng, SSI cho rằng doanh nghiệp sẽ tăng công suất cho cả hoạt động sản xuất đường và điện sinh khối, thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận của hai mảng này; giá thu mua mía năm 2022 có thể đạt hơn 1 triệu đồng/tấn, tăng 10% so với năm 2021.