Sóng ngầm 'săn đất' đón sóng hạ tầng tại Đồng Nai
Đồng Nai trong xu hướng ly tâm
Thông tin Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết sẽ dành 23.000 tỷ đồng ngân sách chi cho công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) một lần nữa làm cho bất động sản Đồng Nai rơi vào tầm ngắm của giới đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dù không diễn ra rầm rộ, nhưng đang có một làn sóng ngầm trong giới đầu tư lùng sục tìm mua đất tại Đồng Nai, tập trung chính vào 2 phân khúc là đất có diện tích lớn trong các khu dân cư và đất dự án.
Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh giá đất nền ở TP.HCM đã lên cao và đang có chiều hướng tiếp tục tăng do cầu vượt cung, nhiều người có nhu cầu về nhà ở đã dịch chuyển về các địa phương lân cận TP.HCM để mua đất an cư. Trong đó, Đồng Nai, đặc biệt là những khu vực giáp ranh với TP.HCM đang là tâm điểm tìm kiếm đất của nhiều người.
Dạo một vòng quanh những khu vực giáp ranh với TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch những ngày qua, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng loạt văn phòng môi giới tự phát giới thiệu về đất nền giá rẻ.
Tại huyện Long Thành, những khu vực có bán kính cách Dự án Sân bay Long Thành từ 5 - 7 km, hàng loạt bảng hiệu chào bán đất được mọc lên.
Một môi giới tên Hùng cho biết, hiện nay, mỗi ngày có đến hàng chục khách hàng từ TP.HCM đến tìm hiểu mua đất khu vực này. Trong đó, có hai nhóm đối tượng khách hàng, là những người đầu tư săn tìm mua đất trong khu dân cư có diện tích lớn để đầu tư và những người có nhu cầu nhà ở thật tìm mua những lô đất có diện tích chừng 60 - 70 m2, giá 300 - 500 triệu đồng/nền.
Theo môi giới này, trong khoảng thời gian 2 tháng trở lại đây, nhu cầu mua đất tại khi vực này đã gia tăng khá mạnh, giá đất đã tăng cao hơn nhiều so với trước đó.
Một điểm đến của thị trường Đồng Nai được khách hàng quan tâm nhiều nữa hiện nay là khu vực TP. Biên Hòa. Đây là khu vực có lợi thế kết nối sẵn hạ tầng, giáp ranh với quận 9 của TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, ở khu vực này, ngoài những người mua đất diện tích nhỏ lẻ với nhu cầu để ở, còn có khá nhiều khách hàng là những “đại gia” ở TP.HCM muốn tìm những khu đất có diện tích lớn, đặc biệt là đất ven sông Đồng Nai để làm những khu trang trại theo mô hình trổng trọt, nghĩ dưỡng.
“Hiện có khá nhiều đơn đặt hàng của các khách hàng tìm mua đất dạng này, nhưng nguồn cung không nhiều. Hơn nữa, giá hiện nay cũng đã tăng lên khá cao so với từ đầu năm”, ông Lộc nói và cho rằng, đây là xu hướng ly tâm trong xu thế giãn dân hiện nay và xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ngoài phân khúc đất trong khu dân cư, nhiều dự án đất nền có pháp lý rõ ràng, hạ tầng tốt tại Đồng Nai được công bố gần đây cũng thu hút sự quan tâm khá lớn của khách hàng.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái mở bán Dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (Quốc lộ 51, xã Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai) với quy mô diện tích khoảng 9 ha, với 385 nền đất và 68 căn nhà phố liên kế thương mại. Dư án vừa tung ra thị trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng với hầu hết sản phẩm đã được khách hàng giữ chỗ.
Còn tại Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, theo ghi nhận từ Công ty Donaland, đơn vị phân phối chính thức dự án này, tính từ cuối năm 2016 đến nay, đã có hơn 1.000 sản phẩm của dự án được giao dịch thành công trên thị trường.
Hay như tại Dự án The Viva City do Công ty cổ phần LDG (LDG Group) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích là 117 ha, thống kê của chủ đầu tư này cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, LDG đã bán thành công ta thị trường trường gần 3.000 sản phẩm.
Kỳ vọng “đón sóng” hạ tầng
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, Đồng Nai hiện đang có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là cú huých về phát triển hạ tầng và giá đất còn tương đối “mềm” hơn so với những khu vực khác.
Về hạ tầng, là địa phương liền kề TP.HCM, Đồng Nai là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam Bộ, đang được đánh giá có lợi thế đặc biệt về liên kết vùng.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Giao thông - Vận tải (Viện Chiến lược phát triển Giao thông - Vận tải), Đồng Nai có một hệ thống hạ tầng giao thông khá toàn diện, gồm đường sắt, đường bộ, đường sông.
Tính đến nay, các tuyến đường huyết mạch quốc gia đều đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số công trình trọng điểm khác như cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, hầm chui Tam Hiệp, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Vũng Tàu…, làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thay đổi nhanh chóng.
Hiện một loạt các dự án đường cao tốc đang được thực hiện và chuẩn bị đầu tư như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương… Đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.
Hạ tầng phát triển tạo cú huých cho thị trường bất động sản Đồng Nai.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đang tiến hành thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 (TP. Biên Hòa) với tổng kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Cầu có chiều dài khoảng 347 m, rộng 18 m. Tuyến hương lộ 2 bắt đầu từ vị trí giao với Quốc lộ 51 tại Ngã ba Bến Gỗ và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND Biên Hòa, đây là trục kết nối trung tâm hành chính TP Biên Hòa với các khu đô thị Long Hưng, Khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch. Khi xây dựng xong cầu Vàm Cái Sứt và hương lộ 2 sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ven sông Đồng Nai. Một khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng, sẽ nối trực tiếp tuyến đường cao tốc TP.HCM vào Biên Hòa sẽ giúp cho Biên Hòa kết nối với toàn khu vực.
Trong khi hạ tầng đang có sự phát triển mạnh, theo phân tích của gới kinh doanh địa ốc, so sánh sự tương quan về giá giữa các địa phương giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, bất động sản Đồng Nai có mức giá còn khá “mềm”.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, một doanh nghiệp từ có thời gian dài gắn bó với thị trường bất động sản Bình Dương cho biết, sau thời gian dài nghiên cứu thị trường, hiện Tấc Đất Tấc Vàng đang có kế hoạch sẽ chuyển hướng hoạt động về thị trường Đồng Nai.
Theo ông Tuấn, qua khảo sát thị trường cho thấy, việc thời gian qua, thị trường địa ốc phía Nam xuất hiện làn sóng người có nhu cầu về nhà ở đổ xô về về các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An để mua đất. Đây là xu hướng hướng đã được dự báo từ trước trong xu thế giãn dân từ trung tâm TP. HCM.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong các địa phương lân cận TP.HCM, dường như Đồng Nai đang chiếm ưu thế lớn nhất. Các tình như Bình Dương, Long An hiện đang bước vào giai đoạn bão hòa, trong khi Đồng Nai lại đang bước vào giai đoạn phát triển mới.
“Điều khiến nhà đầu tư quan tâm nhiếu nhất đến thị trường Đồng Nai hiện nay là câu chuyện khởi động Sân bay quốc tế Long Thành. Khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, nhiều khả năng TP Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch sẽ sáp nhập để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Tuấn dự đoán và cho biết, việc triển khai Sân bay Quốc tế Long Thành dường như đã chắc chắn. Đây là yếu tố quan trọng, giúp dư địa phát triển của thị trường bất động sản Đồng Nai sôi động và kéo dài trong thời gian tới.