|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Sóng' cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ

11:37 | 20/03/2021
Chia sẻ
Một loạt cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ tăng giá mạnh trong những tuần gần đây. Hầu hết các mã này đều mới niêm yết hoặc có thời gian giao dịch trên UPCoM dưới 6 tháng.
giacmomauxanhchungkhoan1.jpg

Một nhà đầu tư đứng trước bảng giá chứng khoán. (Ảnh: Thời báo Tài chính)

Cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ nổi ''sóng''

Sau một năm bùng nổ, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giao dịch sôi động trong quý đầu tiên của năm 2021. Đặc biệt, những tuần gần đây chứng kiến sự bức tốc mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa vừa và nhỏ như BAB (Bac A Bank), NVB (NCB), PGB (PGBank), MSB (MSB), OCB (OCB),…

Lên HNX với giá tham chiếu 16.000 đồng/cp vào ngày 3/3, ngay trong phiên giao dịch đầu cổ phiếu BAB của Bac A Bank đã tăng kịch mức cho phép 30% với chỉ 2 lệnh được khớp trong phiên ATO. Các phiên giao dịch sau đó cũng ghi nhận diễn biến tương tự; thậm chí, trong ngày 10/3 không có bất kỳ cổ phiếu BAB nào được giao dịch.

Kết phiên 16/3, giá BAB đã leo lên đỉnh 34.000 đồng/cp sau 8 phiên tăng kịch trần và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tương ứng mức sinh lời hơn 112% so với giá tham chiếu khi lên sàn và cao hơn 55% so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (21.900 đồng/cp).

Không gây sốc như BAB nhưng tỷ suất sinh lời của cổ phiếu NVB cũng lên tới hơn 50% khi liên tục tăng giá kể từ đầu năm. Khởi đầu năm 2021 với giá 10.000 đồng/cp nhưng đến hết ngày 19/3, cổ phiếu này đã đạt mức 15.100 đồng/cp.

Với diễn biến giá trên, vốn hóa thị trường của NCB đã tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng, vươn lên vị trí 20/25 trong danh sách các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM sau một thời gian dài nằm ở áp chót bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, thanh khoản của cổ phiếu NCB cũng tăng mạnh với khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 5,6 triệu đơn vị/phiên.

PGB của PGBank cũng thể hiện đà tăng giá tốt trong 1,5 tháng qua khi liên tục leo dốc từ mức 12.000 đồng vào cuối tháng 1 lên 16.000 đồng/cp chốt ngày 18/3, tương ứng mức tỷ suất sinh lời hơn 33%.

Đồng thời, thanh khoản của cổ phiếu PGB tăng đột biến trong những phiên gần đây với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên vừa qua đạt hơn 600.000 đơn so với mức trung bình 187.000 cổ phiếu kể từ đầu năm đến nay.

Tương tự, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu MSB trong hơn 1 tháng qua cũng lên tới hơn 32%. Sau khi lình xình tại vùng 17.000-18.000 đồng/cp trong suốt tháng 1, MSB đã liên tục tăng giá và đạt mức 24.450 đồng kết phiên 19/3. Như vậy, chỉ sau gần 3 tháng kể từ ngày chào sàn HSX (23/12), thị giá của MSB đã tăng tới 62%.

OCB cũng bật tăng mạnh trong những ngày giao dịch vừa qua. Chốt phiên 19/3, OCB thiết lập đỉnh mới tại 24.900 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 33% so với mức đóng cửa tháng 1.

Bên cạnh những mã kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá 20 – 25% so với cuối tháng 1 như VBB (VietBank), BVB (VietCapital Bank), NAB (Nam A Bank), ABB (ABBank).

1.png

Biến động giá của các cổ phiếu ngân hàng trong vòng 6 tháng qua. (Nguồn: VCBS)

Cổ phiếu ''mới '' hấp dẫn nhà đầu tư

Ngoài NVB, các mã ngân hàng nêu trên đều có một điểm chung là mới niêm yết hoặc có thời gian giao dịch trên UPCoM dưới 6 tháng. 

Điều này có nghĩa, hầu hết các cổ phiếu trên đều không trải qua hoặc tham gia rất ngắn giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ trong năm 2020. Hay nói cách khác, giá cổ phiếu chưa tăng nhiều và định giá trở nên tương đối hấp dẫn so với các ngân hàng khác.

1-16145853081821865481008.png

BSC định giá P/B của MSB và OCB thấp hơn khá nhiều các ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, việc niêm yết thành công hoặc chuyển lên giao dịch tại thị trường UPCoM cũng mang lại nhiều lợi ích cho các cổ phiếu ngân hàng, tạo uy tín trong mắt các nhà đầu tư.

Chứng khoán BSC cho rằng: “Động thái này sẽ giúp tăng quy mô toàn bộ thị trường cho ngành ngân hàng, nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế"

Theo ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô Chứng khoán MB (MBS), về dài hạn, các ngân hàng sẽ cạnh tranh bằng ba yếu tố chính là quy mô, khả năng quản trị rủi ro và chuyển đổi số. Trong đó, việc gia tăng quy mô là trụ cột rất quan trọng.

Mặt khác, so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, quy mô của các ngân hàng tư nhân vẫn còn rất nhỏ. Do vậy, việc niêm yết hoặc đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường tập trung là phương án tốt nhất giúp các ngân hàng tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động.

Phát biểu tại buổi lễ chào sàn HSX, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết: "Niêm yết cổ phiếu OCB trên HOSE là sự kiện rất quan trọng đối với ngân hàng và nằm trong lộ trình phát triển đã được hoạch định của ngân hàng. Với mục tiêu huy động vốn để đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình phát triển nhanh trong giai đoạn tăng trưởng mới. Tăng cường tính minh bạch và thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông cũng như khẳng định nội lực và giá trị sẵn có của ngân hàng."

Quốc Thụy