|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sóng cổ phiếu ngân hàng có đến những tháng cuối năm?

08:20 | 04/10/2024
Chia sẻ
Một số nhà phân tích dự phóng kết quả kinh doanh quý III của ngành ngân hàng sẽ tích cực với tăng trưởng hai chữ số so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng lớn trong vốn hóa VN-Index, cổ phiếu ngân hàng dự kiến tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho xu hướng của thị trường chung.

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu được giới đầu tư chứng khoán nhắc đến nhiều trong một tháng qua. Làn sóng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng khiến tâm lý nhà đầu tư dần trở nên lạc quan, kỳ vọng cho một cú bứt phá vượt mốc tâm lý 1.300 điểm.

Tính từ đầu tháng 9 đến phiên 3/10, nhiều đại diện ngành ngân hàng đã tăng giá như EIB (+13%), STB (10%), OBC (7%), VPB (6%)... Còn tính từ đầu năm, đà tăng ấn tượng nhất thuộc về LPB (gấp đôi), HDB (42%) hay MBB (40%).

Đợt tăng giá cổ phiếu ngân hàng lần này khiến nhà đầu tư liên tưởng lại cú tăng hồi đầu năm - động lực để VN-Index từ vùng 1.100 tiến lên 1.200 điểm.

Lần này, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường lên vùng thách thức 1.300 điểm. Đây là mốc tâm lý mà VN-Index đã 5 lần trong năm nay hướng đến, xong vẫn chưa thành công chinh phục.

Trong một tháng qua, Top10 mã kéo tăng VN-Index nhiều nhất có đến 9 mã họ ngân hàng, gồm VPB, TCB, CTG, TPB, STB, VCB, EIB, ACB và MBB .

Mức tăng giá từ đầu năm đến 3/10 của một số đại diện ngành ngân hàng. (Biểu đồ: TradingView).

Một số nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục nhận sự hỗ trợ đắc lực của nhóm ngân hàng thời gian tới.

Theo dự báo của ông Huỳnh Hoàng Phương, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT, đưa ra tại talkshow do VietnamBiz tổ chức ngày 30/9, tổng lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng quý III sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, với mức phổ biến đạt 20 - 30%.

“Với tỷ trọng vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng sẽ có hiệu ứng tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, lưu ý quý III năm ngoái là điểm trũng lợi nhuận”, ông Phương nói thêm.

Tại chường trình “Khớp lệnh - Tài chính thịnh vượng: Động lực cuối năm” ngày 30/9, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng ngành ngân hàng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một big trend (xu hướng lớn). Nguyên do là về mặt vốn hóa, ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường.

Về giao dịch, cổ phiếu ngân hàng thường dẫn dắt thị trường. Cổ phiếu ngân hàng chiếm từ 28 - 42% tổng khớp lệnh thị trường. Theo đó, đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản cao. Cuối cùng, kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Cho nên ngành ngân hàng là hàn thử biểu quan trọng cho thị trường chứng khoán.

Tại báo cáo chiến lược tháng 9, bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong quý III của chỉ số VN-Index khi quý III/2023 được xem là giai đoạn khó khăn nhất của ngành với nhiều yếu tố tiêu cực cùng đồng thời diễn ra, như tăng trưởng tín dụng yếu, NIM tạo đáy, chi phí tín dụng và nợ xấu ở mức cao.

Cho quý III năm nay, VDSC kỳ vọng tăng trưởng thu nhập lãi, với tín dụng tích cực so với cùng kỳ và NIM ổn định, sẽ là động lực cho sự phục hồi của tổng thu nhập hoạt động.

“Kỳ vọng nợ xấu toàn ngành đã tạo đỉnh vào quý II khi các tín hiệu như nợ nhóm hai hình thành mới, nợ nhóm ba và 4 và tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng đã giảm so với quý trước. Ngoài ra, thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý (chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản) cũng đang có những tiến triển khả quan. Những diễn biến này là chỉ báo sớm mang nhiều hàm ý tích cực cho xu hướng hình thành nợ xấu và kéo theo chi phí tín dụng giảm dần trong các quý tiếp theo”, VDSC nhận định.

Báo cáo của VDSC nêu một số ngân hàng quan tâm bao gồm VCB, CTG, BID, ACB, MBB, và VIB.

 

Chứng khoán Agribank (Agriseco) chọn ngân hàng là một trong 5 nhóm ngành dự kiến tăng trưởng lợi nhuận quý III khả quan (cùng với phân bón, bán lẻ, chăn nuôi, logistics) tại báo cáo mới đây.

Khối phân tích Agriseco kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III duy trì đà tăng (ước tính +24%) trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái dựa vào ba yếu tố. Thứ nhất, ước tính tín dụng bình quân ngành 9 tháng tiếp tục tăng trưởng tốt và đạt trên 8%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (6,96%).

Điều này nhờ vào tăng cường đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất (kích cầu tín dụng sau bão lũ qua gói tín dụng hỗ trợ 405.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt); dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý II và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong quý III; hiện tại room tín dụng của một số ngân hàng dự kiến được Ngân hàng Nhà nước nới rộng thêm 2-2,5%, sau khi hoàn tất 80% hạn mức tín dụng giao đầu năm.

Thứ hai, dự kiến tỷ lệ NIM trong quý cải thiện lên mức trên 3,7% nhờ mức giảm của chi phí vốn thấp hơn mức giảm của lợi suất tài sản cho vay.

Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý II duy trì ở mức 2,2%. Bên cạnh đó, nợ nhóm hai đã dần hạ nhiệt so với quý I khi giảm từ mức 2,1% về 1,8%, và đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (2,6%), hỗ trợ giảm áp lực nợ xấu tăng trong các tháng cuối năm. Đây là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý III.

Góc nhìn của Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng tín dụng quý III được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện so với quý II nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ.

“Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. NIM quý III sẽ đi ngang/giảm nhẹ so với nửa đầu năm ở hầu hết các ngân hàng do lãi suất tiền gửi sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2024 khi các ngân hàng tăng cường hoạt động huy động vốn trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp và sẽ không tăng đáng kể nhằm hỗ trợ nền kinh tế”, báo cáo ngành tháng 9 của MBS nêu nhận định.

Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong quý III dự kiến sẽ không tăng so với quý trước vì dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong quý III. Đồng thời, các ngân hàng sẽ giảm tốc trích lập trong nửa cuối năm 2024 do tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân không tăng nhiều.

Theo đó, bộ đệm dự phòng được dự báo sẽ giảm do trích lập giảm tốc cùng với việc xoá nợ xấu vẫn sẽ được duy trì như trong 6 tháng đầu năm.

Theo MBS, lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết trong quý III có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường, một số ngân hàng có mức tăng trưởng nổi bật như HDB (+44%), TPB (+35%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao; EIB (+70%), CTG (+40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ.

Xuân Nghĩa