|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Soi sức khoẻ Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM

11:36 | 08/07/2020
Chia sẻ
Trong 5 năm trở lại đây, lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank tăng bình quân 21,7%/năm trong khi tổng tài sản tăng 15,6%/năm. Ngân hàng chỉ có duy nhất 1 cổ đông lớn sở hữu gần 13% vốn cổ phần.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM: Lợi nhuận tăng 158 lần trong 5 năm, cơ cấu cổ đông cô đặc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Viet Capital Bank)

Thành lập từ năm 1992 với tiền thân là Ngân hàng TMCP Gia Định, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã có chặng đường phát triển 27 năm với nhiều thăng trầm. Ngày 9/7 tới đây cũng sẽ trở thành một trong những dấu mốc quan trọng với ngân hàng khi mã cổ phiếu BVB của Bản Việt sẽ chính thức được giao dịch trên UPCoM.

Với hơn 317 triệu cổ phiếu và giá tham chiếu ngày đầu giao dịch là 10.700 đồng/cp, mức vốn hoá thị trường của Bản Việt sẽ vào khoảng 3.400 tỉ đồng, tương đương với vốn hoá của Kienlongbank hay Ngân hàng Quốc dân (NCB).

Mức giá tham chiếu này của cổ phiếu BVB cũng thấp hơn giá trị sổ sách gần 10% (11.875 đồng/cp, tính đến cuối tháng 3/2020).

Viet Capital Bank hoạt động như thế nào trước khi lên UPCoM?

Qua số liệu kết quả kinh doanh từ báo cáo tài chính có thể nhận thấy năm 2019 là năm ghi dấu ấn nhất trong 5 năm trở lại đây của ngân hàng. 

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Viet Capital Bank đạt 158 tỉ đồng, tăng hơn 36% so với 2018, đây cũng là mức lãi cao nhất trong 5 năm trở lại đây của ngân hàng. Tỉ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) ở mức 0,3%, tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,2% với lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là 404 đồng/cp.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM - Ảnh 2.

Lợi nhuận trước thuế Viet Capital Bank trong giai đoạn 2015 - 2019. (Nguồn: QT tổng hợp)

Theo số liệu người viết tổng hợp, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2015 – 2019), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của Viet Capital Bank là 21,7%/năm. Sau khi giảm mạnh vào năm 2016, lợi nhuận của ngân hàng đã hồi phục nhanh chóng trong 3 năm tiếp theo nhờ sự tăng trưởng của hầu hết mảng kinh doanh, đặc biệt là hoạt động tín dụng.

Trong năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 27% lên khoảng 200 tỉ đồng (riêng quí I, ngân hàng lãi trước thuế 48 tỉ đồng, gấp 2,2 lần cùng kì năm trước và thực hiện được 24% kế hoạch đề ra).

Giai đoạn 2015 - 2019, tổng tài sản của Viet Capital Bank tăng trưởng với tốc độ bình quân là 15,6%/năm, dư nợ tín dụng tăng 21%/năm và tiền gửi khách hàng tăng 17,3%/năm.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Viet Capital Bank ở mức 51.809 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng ở mức 33.695 tỉ đồng, tăng trưởng 14,5%. Tiền gửi khách hàng đạt 35.219 tỉ đồng, tăng 5,1%.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM - Ảnh 3.

Tổng tài sản Viet Capital Bank trong giai đoạn 2015 - 2019. (Nguồn: QT tổng hợp)

Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16%, đạt gần 60.100 tỉ đồng; tổng huy động vốn và dư nợ cấp tín dụng đều tăng 17%. Tính đến hết ngày 31/3, cho vay khách hàng tăng 2,3% lên 34.760 tỉ đồng, tiền gửi ở mức 37.838 tỉ đồng, tăng 7,4%.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM - Ảnh 4.

Tiền gửi khách hàng và dư nợ tín dụng Viet Capital Bank trong giai đoạn 2015 - 2019. (Nguồn: QT tổng hợp)

Vào tháng 5, ngân hàng cũng thông báo mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt và sạch hoàn nợ xấu tại VAMC. Trước đó, ngân hàng đã xử lí được gần 1.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC trong năm 2019, đưa giá trị khoản mục này về mức hơn 377 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng là 8,5%, giảm so với mức 10,8% hồi cuối năm 2018; tỉ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 10,8%.

Sau khi tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng vào giai đoạn 2010 - 2011, Ngân hàng Bản Việt mới chỉ thực hiện một lần tăng vốn lên 3.171 tỉ đồng trong năm 2018 - 2019. Dự kiến trong năm 2020, ngân hàng sẽ tăng vốn lên 3.583 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tăng 13%.

Ai đang sở hữu Viet Capital Bank?

Theo thông tin từ bản cáo bạch năm 2020 trước khi lên giao dịch trên UPCoM, tính đến ngày 18/2, nhà băng này có 866 cổ đông, trong đó gồm 13 cổ đông tổ chức và 853 cổ đông cá nhân, không có cổ đông ngoại.

Ngân hàng cũng chỉ có duy nhất 1 cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) với số cổ phần nắm giữ là 40,866 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu 12,88%.

Tỉ lệ sở hữu của Saigon NIC so với thời điểm ngày 30/9/2018 (là 13,6%) đã giảm đi đôi chút, dù số lượng cổ phần nắm giữ không thay đổi. Sự thay đổi này nhiều khả năng là do đợt chào bán 17,1 triệu cổ phiếu ra công chúng của Viet Capital Bank diễn ra trong các năm 2018 và 2019, nâng qui mô vốn điều lệ lên 3.171 tỉ đồng.

Các 'sếp lớn' sở hữu hơn 14% cổ phần ngân hàng

Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành của VietCapital Bank đang nắm giữ tổng cộng 44,64 triệu cổ phiếu BVB, tương ứng tỉ lệ sở hữu 14,08%.

Theo công bố thông tin của Viet Capital Bank, HĐQT của ngân hàng hiện có 5 thành viên với Chủ tịch là ông Lê Anh Tài. Trong 5 thành viên của HĐQT thì có tới 3 thành viên không điều hành và 1 thành viên HĐQT độc lập.

Chủ tịch Lê Anh Tài sinh năm 1972, là thành viên không điều hành trong HĐQT và nắm giữ hơn 10,26 triệu cổ phần Viet Capital Bank.

Ông từng Tài có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với các chức vụ quan trọng tại một số ngân hàng. Từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013, ông Tài đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc rồi giữ cương vị Chủ tịch HĐQT nhà băng này từ tháng 5/2013 tới nay.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM - Ảnh 5.

Các thành viên trong HĐQT Viet Capital Bank. (Nguồn: Viet Capital Bank)

Trong HĐQT Viet Capital Bank còn có sự tham gia của bà Nguyễn Thanh Phượng (SN 1980), nữ thành viên duy nhất trong HĐQT. Bà Phượng là thành viên HĐQT không điều hành, còn được biết tới với cương vị trưởng ban ủy ban nhân sự, thành viên tham gia phê duyệt hồ sơ tín dụng thuộc thẩm quyền HĐQT. Bà Phượng nắm giữ nắm giữ khoảng 14,7 triệu cổ phần Viet Capital Bank.

Ngoài chức vụ tại Ngân hàng Bản Việt, bà Phượng còn đảm nhiệm cương vị cấp cao tại 3 doanh nghiệp khác, bao gồm: Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Bản Việt, Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản Bản Việt.

Là thành viên tham gia điều hành duy nhất trong HĐQT VietCapital Bank, ông Ngô Quang Trung (SN 1973) hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của nhà băng này. Tính đến ngày 18/2/2020, ông Trung nắm giữ 11,2 triệu cổ phần VietCapital Bank.

Trước khi gia nhập Viet Capital Bank, ông Trung từng có nhiều năm kinh nghiệm tại Vietcombank. Trong giai đoạn 2007 – 2010, ông Trung là đại diện phần vốn của Vietcombank tại Ngân hàng TMCP Gia Định (tiền thân của Viet Capital Bank).

Một thành viên HĐQT không điều hành khác là ông Nguyễn Hoài Nam. Ông Nam sinh năm 1978 là cử nhân chuyên ngành Kinh tế trường Đại học California (Mỹ), thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Hawaii (Mỹ).

Từ năm 2007 đến 2010, ông Nam là cổ đông góp vốn tại CTCP Chứng khoán Bản Việt. Từ năm 2011, ông Nam gia nhập Viet Capital Bank với vai trò chuyên viên cao cấp. Sau đó, ông Nam thăng chức Phó Tổng Giám đốc và hiện là thành viên HĐQT VietCapital Bank. Ông Nam cũng nắm giữ hơn 5,44 triệu cổ phần nhà băng này.

Thành viên độc lập duy nhất của Viet Capital Bank là ông Vương Công Đức.

Ban Điều hành của ngân hàng hiện có 4 thành viên với ông Ngô Quang Trung giữ cương vị Tổng Giám đốc, ba Phó Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Thu Hà, ông Phạm Anh Tú và ông Lê Văn Bé Mười.

Ngân hàng Bản Việt trước khi lên UPCoM - Ảnh 6.

Các thành viên trong Ban Điều hành Viet Capital Bank. (Nguồn: Viet Capital Bank)

Quốc Thụy