Điểm khác biệt giữa gói hỗ trợ lãi suất 2% và gói năm 2009 cho thấy không quá lo ngại rủi ro nợ xấu tăng lên
Ngày 20/5, Chính phủ đã ban hành nghị định về việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ Ngân sách nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, năm 2009, Việt Nam cũng đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ NSNN áp dụng cho các khoản vay ngắn - trung - dài hạn. Chính sách này được đưa ra như một bộ phận của nhóm chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế đang bị tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) so sánh chính sách hỗ trợ lãi suất năm 2022 và năm 2009 và chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản giữa hai gói này.
Về bối cảnh kinh tế-xã hội, gói hỗ trợ lãi suất năm 2022 được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế trong nước trong suốt 2 năm 2020- 2021. Trong khi đó, gói hỗ trợ năm 2009 ra đời trong lúc kinh tế trong nước suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của những khó khăn tích tụ trong giai đoạn 2007-2008 và các ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Về mức hỗ trợ, ban đầu gói hỗ trợ năm 2009 có mức lãi suất 4%/năm, đến năm 2010 điều chỉnh mức hỗ trợ xuống 2%/năm với các khoản vay trung dài hạn, trong khi gói hỗ trợ theo Nghị định 31 mới đây đưa ra mức lãi suất là 2%/năm.
Nói đến quy mô của gói hỗ trợ năm 2009, gói 1 (hỗ trợ vay ngắn hạn) trị giá 17.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), triển khai trong 1 năm (2009). Gói 2 (hỗ trợ vay trung dài hạn) trị giá 20.000 tỷ đồng (tương đương 1,17 tỷ USD), triển khai trong 2 năm (2009-2010). Dư nợ gói hỗ trợ lãi suất đã thực hiện trong 2009 khoảng 470.000 tỷ đồng trên dư nợ toàn hệ thống là 1,7 triệu tỷ đồng.
Với gói lãi suất 2% mới ban hành, Agriseco ước tính dư nợ hỗ trợ lãi suất trong 2 năm tới khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống hiện tại khoảng 11 triệu tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng dư nợ được hỗ trợ lãi suất trung bình năm/tổng dư nợ toàn hệ thống lần này ước tính ở mức 9%, thấp hơn so với con số này của năm 2009 (khoảng 27%).
Về đối tượng hỗ trợ, gói hỗ trợ lãi suất năm nay hướng tới các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và không phân bổ tỷ trọng cụ thể cho từng ngành như năm 2009.
Báo cáo cho biết gói hỗ trợ mới ban hành kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6,5% của Chính phủ, cao hơn mức tăng trưởng đặt ra trong năm 2009 là 5,2%.
Bên cạnh đó, Agriseco cũng lưu ý việc doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng nguồn vốn sai mục đích có thể dẫn tới những hiệu ứng không mong muốn cho nền kinh tế. Công ty kỳ vọng dòng tiền sẽ được sử dụng đúng mục đích cho phục hồi sản xuất kinh doanh.
Rủi ro liên quan đến việc nợ xấu tăng lên do sử dụng vốn sai mục đích là thấp do: Cơ quan nhà nước đã có những hành động định hướng dòng tiền tập trung vào sản xuất kinh doanh trước khi ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất; Năng lực quản lý điều hành của NHNN đã được nâng cao và quy trình thẩm định và giám sát chặt chẽ với các NHTM.
Nhắc lại tác động tiêu cực của gói hỗ trợ năm 2009. Agriseco cho biết giai đoạn 2009-2011 xuất hiện dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường tài sản như vàng, ngoại tệ, BĐS gây áp lực không nhỏ lên lạm phát từ 2010. CPI năm 2010 và 2011 tăng cao, lần lượt 9,19% và 18,58% so với cùng kỳ. Giá vàng năm 2009 tăng 19,16%, năm 2010 tăng 36,72%, 2011 tăng 39%. Tỷ giá năm 2009 tăng 9,17%, năm 2010 tăng 7,63% và năm 2011 tăng 8,47%.
Gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP được thực hiện trong năm 2022 và 2023 hoặc có thể kết thúc sớm hơn khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức hỗ trợ lãi suất của gói là 2%/năm, thực hiện dưới hình thức giảm trực tiếp số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ.
Đối tượng hỗ trợ là Doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế; các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành được hỗ trợ có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố