So găng giữa Ioniq 5 và VF 8, cơ hội nào cho Hyundai tại Việt Nam?
Cuối tháng 7, Hyundai thông báo sản xuất và phân phối mẫu xe Ioniq 5 tại Việt Nam. Mẫu xe này có hai phiên bản gồm Ioniq 5 Prestige có giá 1,45 tỷ đồng và Ioniq 5 Exclusive có giá 1,3 tỷ đồng. Trong cùng phân khúc SUV điện trên thị trường có hai mẫu xe VinFast VF 8 và VF 8 Plus với giá bán kèm pin lần lượt 1,29 tỷ đồng và 1,47 tỷ đồng.
Có thể thấy giá Ioniq 5 và VF 8 chênh lệch nhau không nhiều, nhưng khi so sánh về trang bị trên xe, mẫu xe Việt tỏ ra nổi trội hơn so với thương hiệu đến từ Hàn Quốc. Một điểm cũng khiến người mua Ioniq 5 đắn đo lúc này là hệ thống trạm sạc chưa có sẵn.
Về nội thất, VF 8 có màn hình HUD hiển thị thông tin trên kính lái, hệ thống âm thanh 10 loa, thì Ioniq 5 có 8 loa và không có HUD. Ioniq 5 được trang bị bảng đồng hồ digital 12,3 inch trong khi VF8 không có. Thay vào đó, màn hình thông tin giải trí 15,6 inch và ghế lái chỉnh điện 12 hướng của VF 8 ấn tượng hơn so với đối thủ.
Hàng ghế sau của VF 8 có hệ thống sưởi/làm mát - tính năng này xuất hiện trên mẫu xe của Hyundai.
Về động cơ, theo công bố của Hyundai, Ioniq 5 có công suất động cơ đạt 217 mã lực và mô-men xoắn 402 Nm, trong khi VF 8 có sức mạnh 402 mã lực và mô-men xoắn 620 Nm. Điều này có nghĩa, khả năng tăng tốc của mẫu xe Hàn Quốc sẽ không bằng đối thủ.
Việc Ioniq 5 chỉ dẫn động cầu sau cũng sẽ có những hạn chế ở một số điều kiện địa hình nhất định, trong khi VF 8 dẫn động 4 bánh toàn thời gian.
Mức độ khác biệt giữa hai xe thể hiện rõ hơn trong phần trang bị an toàn và tính năng thông minh. Cùng tầm giá với VF 8, song Ioniq 5 không được trang bị những tính năng thông minh như nhận diện biển báo giao thông, hỗ trợ đỗ xe thông minh, hỗ trợ lái xe trên cao tốc, hỗ trợ di chuyển khi ùn tắc.
Ioniq 5 cũng có tính năng mà VF 8 không có đó là khởi động xe từ xa.
Về trang bị an toàn, VF 8 được người dùng đánh giá cao khi có 11 túi khí trong khi đối thủ chỉ dừng ở con số 6.
Ngoài trang bị trên xe, thương hiệu Hàn Quốc cũng tỏ ra thua thiệt hơn với mẫu xe đối thủ khi nhập cuộc thị trường muộn hơn. Với việc triển khai sớm, VinFast hiện đã phủ hệ thống trạm sạc ở toàn bộ 63 tỉnh thành phố, với số lượng cổng sạc lên đến 150.000, trong đó có nhiều trụ sạc nhanh.
Hiện tại Hyundai chưa có trạm sạc công cộng tại Việt Nam và khách mua Ioniq 5 chỉ có thể sạc tại nhà với bộ sạc đi kèm. Hyundai cho biết họ đang phát triển cùng các đối tác mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc, hướng đến mục tiêu năm 2024 sẽ phủ 80% các tỉnh thành.
Với bộ sạc tiêu chuẩn kèm theo xe công suất 2,5 kW, thời gian sạc đầy pin 72,6 kWh của phiên bản Prestige có thể đến gần 30 tiếng. Hãng xe Hàn cho biết tặng kèm khách mua xe một gói sạc cao cấp, nhưng thông số cụ thể chưa được công bố.
Dường như chiến lược bán hàng hiện tại của Hyundai Việt Nam chỉ tập trung đến một nhóm nhỏ khách hàng và mang tính thăm dò thị trường. Bởi với bất kỳ thương hiệu ô tô điện nào, hệ thống trạm sạc công cộng là yếu tố then chốt để tăng tính cạnh tranh và tăng trải nghiệm của người dùng.
Về giá cả, nếu lựa chọn mẫu xe thương hiệu Việt, người mua có thể tối ưu chi phí bằng cách thuê pin, thay vì mua đứt, qua đó tiết kiệm thêm 200 triệu đồng chi phí đầu tư ban đầu. VinFast cũng đảm bảo giá trị mua lại sau 5 năm, với chi phí khấu hao qua từng năm từ 6%/năm tuỳ theo từng dòng xe.
Ngoài ra, dịch vụ hậu mãi về ô tô điện của VinFast cũng khá đầy đủ, gồm: sạc pin lưu động, sửa chữa lưu động, cứu hộ 24/7… Chưa rõ chế độ này ở Hyundai với dòng xe điện sẽ như thế nào.
Xét về chế độ bảo hành, hãng xe Việt cũng đang chiếm lợi thế hơn, khi Hyundai chỉ bảo hành xe 5 năm hoặc 100.000 km, pin là 8 năm hoặc 160.000 km, còn VinFast bảo hành xe 10 năm hoặc 200.000 km và 10 năm không giới hạn km đối với pin.
Từ những so sánh kể trên có thể thấy việc Hyundai đặt cho Ioniq 5 mục tiêu cạnh tranh ngang giá với VinFast VF 8 đang là một nhiệm vụ gần như bất khả thi trong giai đoạn hiện nay tại thị trường Việt Nam.