'Siết vốn vào BĐS tạo rủi ro tăng dự phòng phải thu khó đòi của doanh nghiệp xây dựng trong hai năm tới'
Doanh thu các doanh nghiệp nhóm xây dựng dân dụng có mức tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2022 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19.
Tuy vậy, Chứng khoán BSC đánh giá tăng trưởng trong thời gian tới tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công, hoãn triển khai dự án rất nhiều.
Siết chặt dòng vốn chảy vào bất động sản gây nên rủi ro cao về trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trong năm 2022 - 2023. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là rủi ro lớn nhất đối với ngành xây dựng trong quý IV/2022 và cả giai đoạn 2023 - 2024 khi áp lực về dòng tiền đối với các chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán công nợ và nguồn cung dự án mới ra thị trường.
Bên cạnh đó, giá trị backlog sẽ không phản ánh được kết quả kinh doanh sắp tới khi hầu hết các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn và kế hoạch triển khai dự án.
Với nhóm xây dựng hạ tầng giao thông, tiến độ giải ngân tương đối chậm trong 9 tháng đầu năm 2022 (chỉ đạt 58,7% kế hoạch năm 2022, năm 2021 là 65%) do các vấn đề về thủ tục pháp lý và giá vật liệu xây dựng tăng cao.
BSC kỳ vọng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ thời gian gần đây, điều kiện thời tiết thuận lợi hơn và giá một số vật liệu hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện để các nhà thầu xây dựng tăng tiến độ và ghi nhận doanh thu cao hơn trong quý IV/2022.
Tựu chung, các chuyên gia phân tích của BSC đánh giá ngành xây dựng kém khả quan do lợi nhuận bị ăn mòn bởi rủi ro trích lập dự phòng nợ phải thu khói đòi cao có thể khiến các doanh nghiệp ghi nhận lỗ. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư gặp khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công; giá thành vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và cuối cùng là chu kỳ ngành bất động sản thương mại và thời điểm hoạt động xây dựng bình thường trở lại vẫn chưa thế xác định được.