|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Shophouse khu E dự án Kim Long City huy động vốn trái luật (Kỳ II): Chủ đầu tư 'nhắm mắt' làm liều

06:59 | 17/04/2019
Chia sẻ
Qua tìm hiểu ở Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, được biết shophouse thuộc khu E Dự án Kim Long City chưa đủ điều kiện để mở bán nhưng chủ đầu tư đã cho tiến hành mua bán, thu tiền của khách hàng.

Qua tìm hiểu ở Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, được biết shophouse thuộc khu E Dự án Kim Long City chưa đủ điều kiện để mở bán nhưng chủ đầu tư đã cho tiến hành mua bán, thu tiền của khách hàng.

Shophouse khu E dự án Kim Long City huy động vốn trái luật (Kỳ II): Chủ đầu tư nhắm mắt làm liều - Ảnh 1.

Dự án Kim Long City chưa đủ điều kiện để mở bán nhưng chủ đầu tư đã tiến hành mua bán

Trong khi đó, Luật kinh doanh Bất động sản năm 2014 lại ghi rõ chỉ khi nào dự án làm xong móng (đối với nhà ở hình thành trong tương lai), xong hạ tầng (đối với đất nền) và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng bằng văn bản của Sở Xây dựng chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc.

Để rộng đường dư luận, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Đình Quốc - Tổng Giám đốc Phúc Đại Việt nhằm tìm hiểu thông tin về Shophouse phân khu E dự án Kim Long City nhưng ông Quốc không trả lời.

Theo giới chuyên gia bất động sản, tình trạng chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối bằng nhiều chiêu trò chiếm vốn của khách hàng diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua và thiệt hại phần lớn thuộc về phía “thượng đế” và nó diễn ra ở cả phân khúc căn hộ lẫn đất nền.

Shophouse khu E dự án Kim Long City huy động vốn trái luật (Kỳ II): Chủ đầu tư nhắm mắt làm liều - Ảnh 2.

Dự án thi công dang dở

Đối với phân khúc căn hộ, để có thể “che mắt, qua mặt” khách hàng, những khu đất nơi được giới thiệu là có dự án thường được rào chắn bốn bên với những bảng quảng cáo hoành tráng, hình vẽ về các căn hộ, dự án đẹp lung linh nhưng bên trong chỉ là bãi đất trống, thi công dang dở, cỏ mọc um tùm… Thậm chí, nhiều dự án sau khi mở bán rầm rộ, chủ đầu tư công bố hầu hết số lượng căn hộ đã có chủ nhưng sau đó dự án lại nằm bất động.

Cùng với đó, để “qua mặt” cơ quan quản lý, các đơn vị này thường không dùng từ mở bán thay vào đó là hình thức công bố dự án, ra mắt dự án… sau đó cho khách hàng đặt cọc, hợp đồng góp vốn. Và cũng tại những buổi lễ như thế này, điệp khúc căn hộ bán hết, cháy hàng ngay trong buổi mở bán đầu tiên, tung hỏa mù tạo khan hiếm ảo được nhiều chủ đầu tư ứng dụng với sự góp sức không nhỏ của nhân viên môi giới, giới đầu tư mua đi bán lại để kiếm lời.

“Trong bối cảnh huy động vốn từ ngân hàng ngày càng khó để phát triển bất động sản, nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án phải tìm cách huy động vốn từ khách hàng và mở bán khi chưa làm móng cũng là một cách. Dù biết trái luật nhưng họ vẫn nhắm mắt làm liều. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư mở bán dự án này nhưng với mục đích huy động vốn để thực hiện một dự án khác hoặc mục đích khác của chủ đầu tư”, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho hay.

Theo các chuyên gia, việc “nhắm mắt, làm liều”, mua bán dự án khi các dự án chưa đủ điều kiện đã đẩy khách hàng rơi vào tình cảnh rủi ro, thậm chí tiền mất tật mang.

Những vụ việc mới xảy ra tại Đà Nẵng trong thời gian gần đây là một ví dụ cụ thể cho việc mua bán, chuyển nhượng các dự án chưa đủ điều kiện như việc hàng trăm người dân liên tục kéo đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam đến nỗi Chủ tịch tỉnh phải bỏ họp để ra tiếp do doanh nghiệp “treo đầu dê, bán thịt chó”. Hay việc đầu tháng 4/2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Quảng Đà để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cụ thể, Công ty này đã lừa đảo tiền đặt cọc giữ chỗ mua đất nền tại một dự án mang tên "Khu dân cư Nam Cẩm Lệ" và 121 lô đất mặt tiền nằm tại đường Đô Đốc Lân dù khu đất trên là do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng quản lý và không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện đầu tư dự án bán đất nền.

Còn tại phân khúc căn hộ, trước đó vào năm 2016, hơn 100 khách hàng đã nộp đơn kiện chủ đầu tư dự án The Summit Sơn Trà ra tòa do đã nhận tiền của khách hàng nhưng dự án “đắp chiếu” trong nhiều năm, gây thiệt hại về kinh tế…

Theo Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp muốn bảo vệ được mình các nhà đầu tư phải am hiểu rõ về pháp luật, mà cụ thể là Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014….

“Trong trường hợp nhà đầu tư không hiểu pháp luật thì cần tham vấn luật sư để nắm rõ những điều khoản hợp đồng, điều kiện mua, điều kiện thanh toán, cam kết của nhà đầu tư, thủ tục chuyển nhượng, thủ tục hỗ trợ vốn từ ngân hàng (nếu có) và toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến dự án. Điều này là rất cần thiết vì khi xảy ra tranh chấp, người mua sẽ thiệt thòi nhất và có xu hướng yếu về pháp lý bởi các hợp đồng chủ đầu tư đưa ra thường áp đặt” - Luật sư Đỗ Pháp cho biết.


Thu Giang