|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sếp Thomson Medical: Chúng tôi mua Bệnh viện FV để tiến vào Đông Dương

17:08 | 17/01/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo Thomson Medical Group cho biết sẽ giữ nguyên đội ngũ FV và xem thương vụ ở Việt Nam là cửa ngõ thâm nhập Campuchia, Lào và Myanmar.

Sáng 17/1, lần đầu tiên ban lãnh đạo tập đoàn Singapore nêu cụ thể lý do chi hơn 9.000 tỷ (381,4 triệu USD) để mua lại công ty Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV) - chủ sở hữu Bệnh viện FV, đánh dấu thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Thomson Medical Group, cho biết thương vụ giúp tập đoàn tiếp cận thị trường đang phát triển và nguồn nhân tài dồi dào của Việt Nam.

Ông Melvin Heng, Tổng giám đốc Tập đoàn Y tế Thomson phát biểu sáng 17/1. (Ảnh công ty cung cấp).

Trực tiếp đi khảo sát hơn 20 bệnh viện trước khi xuống tiền mua FV, ông Melvin Heng, Tổng giám đốc Tập đoàn Y tế Thomson, đánh giá thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam rất đa dạng, với mức độ chênh lệch về chất lượng rất lớn giữa các cơ sở khác nhau. Ông dự báo khoảng cách này dần thu hẹp và nhu cầu phân khúc cao cấp ngày càng lớn.

"Thị trường tại đây còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng, thông qua thị trường này còn là cánh cửa để phát triển ở các nước trong khu vực", ông Melvin Heng nói tại sự kiện ở TP HCM. Sau khi kiểm soát FV, Thomson đạt được mục tiêu hiện diện ở "3 khu vực địa lý quan trọng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á" là Singapore, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là tiền đề để thâm nhập Campuchia, Lào và Myanmar.

Giải đáp thắc mắc về đội ngũ nhân sự sau sáp nhập, Thomson cho biết toàn thể đội ngũ lãnh đạo và y bác sĩ hiện hữu sẽ tiếp tục làm việc. Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Nhà sáng lập FV và đội ngũ mà ông và ekip gầy dựng suốt hơn 2 thập kỷ qua sẽ tiếp tục vận hành FV.

FV là bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động từ ngày 11/3/2003. Nơi đây cấp dịch vụ chăm sóc y tế với 36 chuyên khoa, hơn 200 giường bệnh. Họ có hơn 1.500 nhân viên, trong đó có hơn 236 bác sĩ Việt Nam và nước ngoài.

Ngoài ra, FV còn sở hữu Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn và 4 phòng khám chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Hàng năm, FV tiếp nhận và điều trị gần 250.000 lượt bệnh nhân, trong đó 25% là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Theo thông tin công bố, FEMV có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, chi phí và khấu hao) tăng liên tục trong giai đoạn 2019-2022 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt gần 14% mỗi năm. Riêng năm 2021 - cao điểm dịch bệnh - doanh nghiệp này vẫn có lợi nhuận trước thuế, chi phí và khấu hao tăng 20% so với năm 2020. Năm ngoái, FEMV đạt doanh thu gần 1.900 tỷ đồng, EBITDA đạt hơn 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 44% so với năm 2021.

Trong khi đó, Tập đoàn Y tế Thomson thành lập vào năm 1979 và niêm yết chính trên sàn Singapore. Đây là một trong những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất cho phụ nữ và trẻ em.

Tập đoàn này sở hữu và vận hành Trung tâm Y tế Thomson và mạng lưới gần 40 phòng khám và cơ sở y tế chuyên khoa. Tại Malaysia, họ hoạt động dưới thương hiệu TMC Life Sciences Berhad, là công ty chăm sóc sức khỏe đa ngành được niêm yết trên sàn chứng khoán Bursa Malaysia.

Viễn Thông

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.