Sếp DQS 'bất lực' trước quyết định phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất
Nhà máy đóng tàu Dung Quất dưới thời Vinashin |
Nhà máy đóng tàu Dung Quất là dự án được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) thành lập vào năm 2006 và chuyển giao về cho PVN quản lý năm 2010 trong bối cảnh Vinashin bên bờ phá sản. Dù được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đổ tiền giải cứu nhưng dự án vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay.
Giải trình trước lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp vừa qua, ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) - đơn vị chủ quản của Nhà máy đóng tàu Dung Quất - cho biết từ khi được chuyển giao từ Vinashin đến nay, dự án vẫn chưa được xử lý những tồn tại. Theo đó, tình trạng hiện giờ của nhà máy là thua lỗ nhưng chưa dừng sản xuất. Dòng tiền sản xuất dương, nhưng tính toán sổ sách âm vì khó khăn, mất cân đối về mặt tài chính
Ông Giang cho rằng với dự án đóng tàu Dung Quất, để giải quyết thì phải có cơ chế đặc biệt, chẳng hạn như: đấu thầu, chỉ định thầu. Về dài hạn thì xem xét tìm đối tác, nhưng với thị trường như hiện nay thì phải mất đến 5 - 10 năm nữa mới có đối tác.
"Không phải không có tiềm năng, nhưng để bán dự án với mức nợ khủng như hiện nay thì không ai mua, tương lai thị trường tốt lên thì có đối tác, nhưng họ sẽ đưa ra điều kiện phải giải quyết nợ", lãnh đạo DQS bất lực nói.
Về phía PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng với DQS, tập đoàn đã xin "ưu đãi", cơ chế đặc thù để đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu trong ngành, nhưng Chính phủ lại không cho phép, nên công việc ngày càng khó khăn. Vì vậy, cho phá sản DQS là phương án tốt nhất.
Có thể thấy, những khó khăn của DQS dường như không thể cứu vãn, vì vậy Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã quyết định lựa chọn phương án phá sản cho dự án này. Về việc quyết toán con tàu 104.000 tấn, do giá trị mà nhà máy và đối tác đưa ra chênh lệch khá lớn nên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo Vụ Tài chính (Bộ Công Thương) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.
Trước đó, như báo Một Thế Giới đã đưa tin về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị này. Năm 2016, DQS đạt doanh thu 436,5 tỉ đồng, trong khi các khoản chi phí lại "ngốn" tới 557,58 tỉ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của công ty âm tới 121,08 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính tại thời điểm 30.6.2016 cho thấy DQS có vốn điều lệ là 1.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỉ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỉ đồng.
Công ty còn khoản lỗ lũy kế hơn 3.674 tỉ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ ngày 1.7.2010 đến ngày 30.6.2016 là 2.438,9 tỉ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào năm 2014, 2015 nhưng do tình hình khó khăn nên quay trở lại lỗ vào năm 2016 khoảng 103,7 tỉ đồng.
Với các khoản nợ vay, DQS có 3 khoản vay lớn, bao gồm: vay Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) 490 tỉ đồng; vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) 528 tỉ đồng và vay Nhà thầu YMC-Transtech 548 tỉ đồng. Công ty vẫn còn nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay YMC-Transtech là 64,2 tỉ đồng và khoản đầu tư vào công ty cổ phần đóng tàu mới Nhơn Trạch 119,6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, PVN còn đổ 5.000 tỉ đồng vào DQS, trong đó bao gồm 1.900 tỉ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỉ đồng để thanh toán nợ. Theo đó, nếu DQS phá sản thì PVN có thể "mất trắng" khoản tiền đầu tư này.