SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ, tăng vốn điều lệ lên 15.238 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.
Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, phương án phân phối lợi nhuận 2020, phương án tăng vốn điều lệ và một số nội dung quan trọng khác. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 23/4/2021.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.400 tỷ đồng
Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thông qua trong ĐHĐCĐ năm 2021 là kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Theo đó, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7% đạt 124.277 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% đạt 122.978 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 2.414 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,76%.
Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục đến từ hoạt động kinh doanh, cho vay, hoạt động thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi từ các hoạt động chủ yếu như hoạt động bảo hiểm, thu phí từ dịch vụ gia tăng từ tài khoản khách hàng, từ kênh giao dịch điện tử, dịch vụ thẻ; thu hút dòng tiền huy động không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và tối ưu hóa/tiết kiệm chi phí hoạt động của hệ thống.
Đặc biệt, nguồn lợi nhuận đến từ doanh thu phí bảo hiểm cũng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng về lợi nhuận của ngân hàng, với mức tăng dự kiến là 180% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, SeABank sẽ tiếp tục triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho cộng nghệ để mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Tăng vốn điều lệ lên 15.238 tỷ đồng
Việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của SeABank trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trong ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT ngân hàng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ đồng lên 15.238 tỷ đồng.
Để phù hợp với chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, SeABank sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động như: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho CBNV của SeABank năm 2021 (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, với 1.127 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế, SeABank sẽ phát hành 110.244.161 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 9,12%) để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông của SeABank tại thời điểm chốt danh sách theo quy định.
Với phương án phát hành ESOP 2021, SeABank dự kiến phát hành tối đa 23,5 triệu cổ phiếu cho CBNV của SeABank và/hoặc CBNV của các công ty con của ngân hàng theo danh sách và tiêu chí do HĐQT quyết định.
Số tiền thu được từ phương án phát hành ESOP 2021 được sử dụng để đầu tư trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu chính phủ (dự kiến đầu tư bổ sung các khoản trái phiếu có độ rủi ro thấp).
Bên cạnh đó, SeABank dự kiến phát hành tối đa 181.311.631 cổ phiếu theo hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Đối tượng được là nhà đầu tư tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, đủ điều kiện trở thành cổ đông của SeABank và có tỷ lệ sở hữu cổ phần sau đợt phát hành phù hợp với các quy định của pháp luật.
Với vốn điều lệ mới sẽ giúp SeABank tăng năng lực tài chính để mở rộng và phát triển mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của SeABank, tạo điều kiện đẩy mạnh kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng, đồng thời giúp SeABank đứng vững trước những biến động của thị trường.
Ngày 24/3 vừa qua, cổ phiếu SSB của SeABank đã chính thức niêm yết và giao dịch trên HOSE và có 6 phiên tăng trần liên tiếp lên mức 28.150 đồng/cp (ngày 31/3/2021), đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng lên mức hơn 34.026 tỷ đồng, tương đương gần 1,48 tỷ USD, nằm trong top 12 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc quý I/2021, SeABank đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ.
Tổng tài sản đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24%; tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%; cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh (TOI) của ngân hàng cũng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 40,8% so với mức 52,9% cùng kỳ năm 2020.