|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SCIC nhận về gần 5.400 tỷ đồng cổ tức từ các công ty thành viên trong năm 2023

15:08 | 02/01/2024
Chia sẻ
Kết quả tài chính năm 2023 của SCIC đều vượt kế hoạch cả năm. Còn so với năm 2022, doanh thu năm 2023 giảm 32% nhưng lợi nhuận gấp 2,1 lần.

 Ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng giám đốc SCIC báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: CMSC).

Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết tổng doanh thu năm 2023 ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch 2023.

Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng, lần lượt 130% và 121% mục tiêu năm.

So với năm 2022, kết quả trên lần lượt giảm 32% về doanh thu nhưng gấp 2,1 lần mức nền thấp lợi nhuận trước thuế của năm trước đó.

Trong cơ cấu doanh thu của SCIC, thông thường cổ tức và lợi nhuận được chia chiếm phần lớn, kế tiếp là lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, số còn lại đến từ việc bán các khoản đầu tư và cho thuê bất động sản. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của SCIC).

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận một doanh nghiệp là Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP với vốn nhà nước là 1.540 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 2.370 tỷ đồng. 

Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã triển khai bán vốn tại 21 trong tổng 73 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn với giá trị chào bán đạt gần 2.000 tỷ đồng. Tổng công ty đã bán vốn thành công tại 8 đơn vị. 

Về tình hình triển khai hoạt động đầu tư, trong năm 2023, SCIC đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư 10 dự án, với số vốn giải ngân dự kiến khoảng 20.452 tỷ đồng. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn nhìn nhận năm 2023 tiếp tục là một năm mà nhiều doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn, thách thức sau đại dịch. Tuy nhiên lợi nhuận của toàn tổng công ty vẫn duy trì trong top 5 của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sỡ hữu. 

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn lưu ý 4 nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất, SCIC cần tập trung cùng Ủy ban tham mưu, sửa đổi Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69), tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến với Bộ Tài chính xem xét quy định về loại hình doanh nghiệp thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước và cân nhắc xây dựng quy định riêng, đặc thù về hoạt động của loại hình doanh nghiệp này trong Luật 69.

Thứ hai, Tổng công ty cần tập trung thực hiện Chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt, trong đó, ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, có tính chất lan tỏa như các dự án về cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư vào những doanh nghiệp có hiệu quả trong danh mục.

Thứ ba, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn, cơ cấu lại các Ban chức năng theo hướng tinh gọn, chuyên môn sâu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, đặc biệt là các công tác liên quan tới hoạt động đầu tư trong thời gian tới;...

Thứ tư, đối với công tác tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC tiếp tục thực hiện công tác tiếp nhận doanh nghiệp theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban và cấp có thẩm quyền.

Đối với các doanh nghiệp đã nhận bàn giao, thực hiện phân loại theo quy định, xử lý tồn tại tài chính, xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn/ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và giá trị doanh nghiệp.

Minh Hằng

Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5 qua lăng kính của các công ty chứng khoán
Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định thị trường sẽ diễn biến khó lường trong tháng 5. Tuy nhiên, sau đợt giảm tháng 4, giá của nhiều mã cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn hơn. Những nhịp biến động (nếu có) sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục.