Sau cú rung lắc của công xưởng thế giới
Chấn động từ sự lệ thuộc
Tưởng chừng năm 2020 sẽ tròn trịa hơn cho kinh tế Trung Quốc khi thương chiến Mỹ - Trung “hạ nhiệt” bằng màn ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay đầu tháng 1 đi kèm với những cam kết gỡ bỏ thuế quan cho hàng hóa của hai bên.
Nhưng giới đầu tư kinh doanh toàn cầu chưa kịp thở phào, thì “cơn bão” Covid-2019 ập đến, càn quét TP. Vũ Hán - một trung tâm sản xuất công nghiệp ô tô hàng đầu của Trung Quốc và là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chỉ riêng với doanh nghiệp Nhật Bản, Vũ Hán - hay rộng ra là thị trường Trung Quốc là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng.
Kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại Dương năm 2019 vừa công bố tuần trước chỉ rõ, thị trường Trung Quốc cung ứng 69,5% nguồn linh phụ kiện, vật liệu cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại nước này.
Vì thế, sau Tết Nguyên đán - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Nissan, Honda đều phải tạm ngưng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và tuân thủ các chỉ thị chống dịch. Cổ phiếu của các hãng xe này lao dốc theo hoạt động sản xuất.
Chung cảnh ngộ, hoạt động sản xuất của các hãng ô tô Mỹ như Ford, General Motors, Volkswagen và Tesla hay các “ông lớn” châu Âu như Fiat Chrysler, Renault và 2 hãng xe Hàn Quốc Hyundai Motor và SsangYong Motor đều bị đình trệ do dịch Covid-19.
Sức nặng của nền kinh tế Trung Quốc trên sân chơi toàn cầu tăng lên trông thấy trong những thập kỷ qua, không chỉ về tỷ trọng đóng góp cho GDP toàn cầu, mà cả về tác động từ những cú “cựa mình” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2018, thương chiến Mỹ - Trung khiến tăng trưởng giá trị gia tăng trong sản xuất chế tạo (MVA) toàn cầu giảm từ 3,8% năm 2017 xuống 3,5% vào năm 2018, còn sản xuất công nghiệp toàn cầu năm 2018 chững ở quy mô 13.543 tỷ USD.
Trung Quốc dẫn đầu về tăng trưởng MVA trong nhóm các quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển và mới nổi, với “thị phần” MVA tăng từ 13,5% năm 2007 lên 24,3% năm 2017.
GS. Cheng Dawei từ Đại học Nhân dân Trung Hoa (Bắc Kinh) cho rằng, với thị trường rộng lớn, Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của các nước, đặc biệt là trái cây từ Đông Nam Á và khoáng sản từ Australia.
Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc là đầu vào quan trọng cho sản xuất và tiêu dùng của nhiều thị trường nước ngoài. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu và Mỹ phụ thuộc lớn vào nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Hệ lụy nhãn tiền là dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn. Thực tế, tỷ trọng hàng hóa chế tạo trung gian của Trung Quốc trên toàn cầu tăng gấp đôi, lên 20% chỉ trong vòng 10 năm 2005-2015.
Thay đổi để đón sóng đầu tư mới
Phải thừa nhận, Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội từ tiến trình toàn cầu hóa cũng như cải cách trong nước và phát huy lợi thế nhân công để bứt phá ngoạn mục trong nhiều thập kỷ qua.
Vượt lên cả sự tăng tốc thần kỳ của các nước Đông Á, với tốc độ phát triển hơn 10% trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã trỗi dậy, bỏ xa các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
“Những điều trên cho thấy, thế giới và Trung Quốc là một phần của nhau. Phải nói là Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Có thể trong vòng 10 hoặc 15 năm tới, sức nặng của nền kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn và chi phối nhiều hơn tới kinh tế toàn cầu”, PGS-TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ bình luận.
Theo PGS-TS. Cù Chí Lợi, sức ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng ra sao đã được kiểm nghiệm qua thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19. Đây là hai “biến cố” khiến doanh nghiệp toàn cầu cũng như doanh nghiệp Việt Nam thấm thía bài học “bỏ trứng vào một giỏ”.
Vai trò của Trung Quốc trong sản xuất công nghiệp rất lớn và việc tìm ra công xưởng có thể thay thế hoặc bổ sung thị trường Trung Quốc là rất khó. Áp lực tiền lương tăng cao ở Trung Quốc sẽ khiến nhiều công ty nước ngoài phải tính bước mở rộng các thị trường khác. Điều này cũng là để giảm rủi ro khi phụ thuộc vào “giỏ trứng” Trung Quốc.
“Có thể sau bầu cử tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung còn phức tạp hơn rất nhiều, nên các nhà sản xuất phải tính toán phương án dịch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc hoặc mở rộng mạng lưới nhà cung ứng ra khu vực khác.
Khi đó, Đông Nam Á hay Ấn Độ có thể trở thành thị trường tiềm năng mà các nhà đầu tư nhắm đến”, ông Lợi dự báo.
Ông Takeo NakaJima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, trong hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi, chưa có doanh nghiệp nào khẳng định muốn dịch chuyển hẳn khỏi Trung Quốc, mà chỉ có xu hướng mở rộng sản xuất sang các thị trường khác, nhất là Việt Nam để phân tán rủi ro do thương chiến Mỹ - Trung và giảm sức ép chi phí sản xuất tăng lên.
Sau những lần rung chuyển của công xưởng thế giới, Việt Nam và các nền kinh tế đang tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp cần có kế hoạch đón làn sóng đầu tư mới. “Trước đây, một làn sóng đầu tư có biên độ 10 năm thì nay, chúng ta cần thu hẹp còn 3-5 năm.
Để làm được điều này, Việt Nam chỉ có cách là cải thiện chất lượng nhân lực sao cho chuyên nghiệp hơn, lành nghề hơn, cộng với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt hơn”, ông Lợi nói.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tính đường đa dạng hóa thị trường. Trung Quốc là thị trường gần gũi và có thuận lợi, nhưng rủi ro cũng không kém.
“Sân chơi thương mại song phương đã có những thay đổi và vai trò của Việt Nam đã tăng lên, chúng ta chưa thể nói hoàn toàn ‘vô tư’ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng tính lệ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau đã có thay đổi”, ông Lợi phân tích.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/