|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sau 10 năm bị bỏ quên, thời của bất động sản khu Đông Hà Nội đã đến

08:26 | 22/04/2019
Chia sẻ
Theo ông Dương Đức Hiển, thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội đang phát triển tốt và sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới bởi các thế mạnh hiện hữu về hạ tầng, quỹ đất và vị trí địa lý.

BĐS phía Tây Hà Nội sắp hết thời?

Sau 10 năm bị bỏ quên, thời của bất động sản khu Đông Hà Nội đã đến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Thu Hà

Từ năm 2018, thị trường BĐS một số khu vực Đông Hà Nội, đặc biệt là quận Long Biên đã được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Ghi nhận vài năm trở lại đây, hạ tầng khu Đông Hà Nội, điển hình là giao thông đã có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng hoàn thiện. Trước đó, giới chuyên gia cũng cho rằng khu Đông Hà Nội sẽ trở thành "điểm nóng" về đầu tư bất động sản (BĐS) trong giai đoạn 2018 - 2019.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam chỉ ra, trong thời gian 10 năm qua, định hướng phát triển của thành phố Hà Nội là về phía Tây. Bằng chứng là thời gian qua đã sự thay đổi rất lớn về cơ sở hạ tầng và sự xuất hiện của rất nhiều các dự án bất động sản, thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư vào thị trường phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dường như phía Đông Hà Nội đang bị bỏ quên.

Liên quan đến xu hướng dịch chuyển về phía Đông Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Savills cho biết, thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều những đại gia lớn trong ngành BĐS bắt đầu đầu tư vào quận Long Biên như Vingroup, Eurowindow, MIK Group, Him Lam,… Bên cạnh đó, khách hàng cũng đang có xu hướng tự dịch chuyển từ trung tâm thành phố - những nơi quá đông đúc sang quận Long Biên sinh sống.

Theo thống kê của Savills, tính đến hết quý I/2019, thị trường sơ cấp của quận Long Biên có khoảng 2.260 căn hộ đang được chào bán bao gồm cả dự án mới và dự án cũ từ năm 2018. Trong đó, thị trường sơ cấp ghi nhận 10% nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc hạng B, còn lại 90% nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc hạng C. Do đó, theo Savills, nguồn cung căn hộ hạng B ở quận Long Biên đang thiếu trầm trọng và rất hiếm nguồn cung căn hộ hạng A.

Đối với thị trường nhà ở thấp tầng quận Long Biên, tính đến hết quý I/2019, thị trường sơ cấp ghi nhận có 420 sản phẩm thấp tầng được chào bán trên thị trường. Tỉ lệ hấp thụ của thị trường thấp tầng đạt đến 30% trên tổng số lượng nguồn cung sơ cấp chào bán trên thị trường.

Theo đánh giá của Savills, 3 tháng đầu năm 2019, mức hấp thụ 30% là một con số tiềm năng. Dự báo trong khoảng 2 – 3 năm tới, quận Long Biên sẽ tiếp tục có một cú huých nữa về bất động sản.

Cũng theo Savills, chỉ tính riêng từ 6 tháng cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 thị trường ghi nhận được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các khu công nghiệp. Điều đó sẽ góp phần làm tăng thêm tính thương mại của các bất động sản tại quận Long Biên.

Ngoài ra, theo báo cáo thị trường BĐS Hà Nội quý I/2019 mới đây của CBRE, 3 tháng đầu năm 2019, thị trường tiếp tục chuyển dịch ra xa các khu vực truyền thống. Trong khi khu phía Tây vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn cung thì tại khu vực ngoại thành ở phía Đông và phía Nam ghi nhận sự hình thành các khu đô thị mới. 86% nguồn cung mở bán trong quý vừa qua đến từ các dự án ở phía Đông, trong khi đó các dự án phía Tây thành phố chỉ chiếm 3,7%.

Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng của nguồn cung tới các khu vực mới, thị trường thứ cấp cũng đón nhận một số thay đổi đáng kể về giá biệt thự trung bình tại các khu vực mới như Hà Đông, Gia Lâm, Hoài Đức và Long Biên. Các dự án nhà ở gắn liền với đất tại khu vực này đang có xu hướng tăng nhờ có sự xuất hiện của các chủ đầu tư danh tiếng cùng với các dự án có chất lượng cao và cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh được cải thiện.

BĐS khu Đông nóng dần do đâu?

Sau 10 năm bị bỏ quên, thời của bất động sản khu Đông Hà Nội đã đến - Ảnh 2.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam (Ảnh nguồn: Savills)

Bên cạnh những tín hiệu tích cực về nguồn cung và tính thanh khoản của thị trường BĐS khu Đông Hà Nội ba tháng đầu năm 2019, trao đổi với PV, ông Dương Đức Hiển cho rằng, cơ sở hạ tầng là mấu chốt giúp cho thị trường BĐS khu Đông, đặc biệt là Long Biên phát triển tốt trong thời gian gần đây. "Quan trọng nhất là thông tin về lộ trình các cây cầu mới mở như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và định hướng của một số cây cầu như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên. Những cây cầu này kết nối gần như trực tiếp với địa bàn phía trung tâm Hà Nội cũng như kết nối giữa các quận kế cận trung tâm Hà Nội với quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Đấy là một trong những tiềm năng phát triển", ông Hiển phân tích.

Cũng theo ông Hiển, khi có mặt của những ông lớn trong ngành BĐS, các chủ đầu tư này đã triển khai, phát triển các dự án và thu hút được số lượng lớn các khách hàng trong phân khúc cao cấp về ở và sinh sống tại địa bàn quận Long Biên. Điều này giúp cho thị trường BĐS khu Đông ngày càng phát triển cũng như thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, trong suốt nhiều năm qua, quận Long Biên gần như là một quận chưa được chú trọng nhiều để phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quận Long Biên đặc biệt phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối được với các lộ trình giao thông chính. Do đó, có thể thấy quận Long Biên có vị trí khá chiến lược, nằm ở vị trí kết nối giao thương giữa rất nhiều các tỉnh thành.

Cụ thể, ông Hiển cho biết, với Thủ đô Hà Nội, quận Long Biên nằm giáp ranh với đường vành đai 3, đây là tuyến đường kết nối với Quốc lộ 1A hướng đi Lạng Sơn và Cầu Giẽ Ninh Bình đi xuôi về phía Nam. Thứ hai, nó là nơi chung chuyển giữa Hà Nội theo Quốc lộ 5 đi xuôi về phía Hải Phòng, Quảng Ninh, Vân Đồn. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Quốc lộ 5 kéo dài kết nối với cầu Đông Trù cũng giúp thu hẹp khoảng cách di chuyển tới sân bay Nội Bài.

"Chính vì vậy, theo tôi, với thế mạnh về cơ sở hạ tầng cũng như giao thông, quận Long Biên gần đây thu hút được khá nhiều sự quan tâm không chỉ của khách hàng đầu tư về BĐS nhà ở mà cả các khách hàng có nhu cầu về cho thuê và các khách hàng có nhu cầu tìm kiếm để đặt trung tâm văn phòng tại quận", ông Hiển nhận định.

Không chỉ sở hữu các thế mạnh về hạ tầng mà quận Long Biên hiện nay còn có quỹ đất rất lớn. Theo ông Hiển, do trong suốt một khoảng thời gian dài trước đó chưa có nhiều chủ đầu tư để ý đến nên quỹ đất của quận này hiện còn rất nhiều. Một so sánh đơn giản mà ông Hiển chỉ ra đó là diện tích của quận Long Biên gần như tương đương với diện tích của 5 quận nội đô như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ gộp lại. "Có thể thấy, quận Long Biên nằm kế cận trung tâm thành phố, có quỹ đất rất lớn nhưng chưa được phát triển. Do đó, đây là một quận rất tiềm năng và cũng mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư", ông Hiển nói.

Còn đối với huyện Gia Lâm, theo phân tích của vị chuyên gia này, mặc dù Gia Lâm hiện giờ vẫn đang là huyện nhưng cũng có tiềm năng phát triển. Gần đây nhất, Vingroup cũng đã có một sự đầu tư rất lớn vào Gia Lâm và đây sẽ là cú huých khiến cho địa bàn huyện Gia Lâm có thêm cơ sở vững mạnh để phát triển và tiến tới trở thành quận trong thời gian tới.

Đặc biệt, theo đánh giá của Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam, BĐS khu Đông Hà Nội sẽ còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. "Chắc chắn BĐS khu Đông sẽ có tiềm năng phát triển trong những năm tiếp theo bởi vì như tôi nói, các thế mạnh về vị trí, khoảng cách đang hiện hữu rất rõ", ông Hiển nhấn mạnh.

Trong đó, theo ông Hiển, điển hình tại quận Long Biên có sự xuất hiện của hệ thống trường học như Trường quốc tế Pháp, Trường Wellspring,… và một số bệnh viện cao cấp như bệnh viện Tâm Anh, phòng khám Hồng Ngọc… Ngoài ra quận này còn có các đại siêu thị như Savico Megamall, Aeon Mall, trung tâm thương mại Vincom… Chưa kể đến quận Long Biên cũng là quận đầu tiên ở Hà Nội có sân golf 27 hố.

"Tôi nghĩ đây cũng là một trong những điểm nhấn giúp ích về mặt thương mại cho quận rất nhiều. Đồng thời, đây cũng chính là công cụ để quận Long Biên thu hút thêm khách nước ngoài đến sinh sống và làm việc", ông Hiển đánh giá. 



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hà

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.