|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sắp xếp, tổ chức lại các quĩ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách

09:50 | 04/08/2019
Chia sẻ
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế quản lí thống nhất với các quĩ tài chính ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018" đã làm việc với Chính phủ.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, đến hết năm 2018, cả nước có trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính Nhà nước được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong số đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương thành lập hoặc được giao quản lý 28 quỹ, chiếm khoảng 95% tổng nguồn vốn hoạt động các quỹ tài chính Nhà nước; ở địa phương có hơn 20 quỹ, loại quỹ được thành lập, chủ yếu đều có quy mô nhỏ (dưới 5 tỉ đồng).

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn, giám sát cho biết thực hiện Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018," thời gian vừa qua, Đoàn giám sát đã làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương để nghe báo cáo về tình hình ban hành chính sách, pháp luật và quản lý, sử dụng 19 quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý.

Đã có 2 đoàn giám sát đến làm việc tại các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa và Hưng Yên).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết nhiệm vụ của Đoàn giám sát lần này là chỉ rõ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước.

Qua đó, Đoàn giám sát kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ để rà soát bãi bỏ một số quỹ có nhiệm vụ thu, chi trùng với ngân sách Nhà nước, các quỹ không hiệu quả, không đảm bảo cân đối thu, chi và ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp vốn hoạt động, đồng thời, rà soát để kiến nghị sáp nhập các quỹ tài chính có cùng tính chất, cùng đối tượng để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế quản lý thống nhất với các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, hạn chế việc phân tán nguồn lực quốc gia, đảm bảo tập trung nguồn lực tài chính để quản lý, sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, các quỹ cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển các hoạt động tài chính nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, một số quỹ tài chính nhà nước trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ hoặc nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước. Việc huy động của một số quỹ còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu vẫn là từ ngân sách Nhà nước cấp.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung rà soát, sắp xếp giải thể các quỹ để bảo đảm trật tự quản lý và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị trong quá trình rà soát, sắp xếp, cần làm rõ và lưu ý đến các nội dung gồm điều kiện thành lập các quỹ và chế độ pháp lý về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động; việc giải thể các quỹ tập trung vào nhiệm vụ ngân sách để giúp hỗ trợ điều hành ngân sách.

Ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến Chính phủ cần có định hướng để có cách ứng xử hợp lý như các quỹ an sinh xã hội đóng góp tự nguyện của người dân thì không can thiệp sâu, nhưng cần giám sát và công khai.

Đối với các quỹ về phát triển kinh tế-xã hội, cần quản lý chặt chẽ hơn; đối với các quỹ ở địa phương, cần phân tích, có giải pháp đối với khung sắp xếp, mức độ nào sáp nhập lại, mức độ nào phải tách ra để hoạt động hiệu quả, quản lý quỹ sẽ chuyên nghiệp hơn.

Để thúc đẩy hoạt động của quỹ hiệu quả hơn thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ tiếp tục tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý quỹ, theo nguyên tắc dừng những quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không có hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu và nhiệm vụ trùng chi với ngân sách; thực hiện nhập các quỹ có mục tiêu trùng lắp với nhau và chỉ thành lập những quỹ nào hoàn toàn không có. 

Quỹ nào không sử dụng đến ngân sách Nhà nước và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội thì vẫn được thành lập.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định bên cạnh ý nghĩa, vai trò của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề cụ thể để hoàn thiện báo cáo và tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ và có lộ trình trong thực hiện để sắp xếp tổ chức lại các quỹ này.


Xuân Tùng