|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sắp thử nghiệm cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM đề xuất 4 nhóm ngành tiên phong

15:28 | 12/06/2023
Chia sẻ
CIEM đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn dự án trong 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng và năng lượng,... và 6 nhóm chính sách thử nghiệm, gồm: Chính sách khu công nghiệp - khu kinh tế, chính sách phân loại xanh, chính sách tư vấn công nghệ - chuyển giao công nghệ, chính sách tín dụng xanh - trái phiếu xanh, chính sách đào tạo lao động và chính sách đất đai.

Phát biểu tại Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởngViện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

“Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng,” TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Hạ An).

Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp đề xuất tiến hành thử nghiệm cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn trên 4 nhóm ngành: Nông lâm nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng và năng lượng.

Theo ông Dương, cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia Cơ chế thử nghiệm không nên dựa vào tư duy truyền thống, tránh tình trạng ngành nào chỉ quan tâm đến việc của ngành đó. Mô hình kinh tế tuần hoàn không thể tách rời từng thành phần, mà cần sự kết hợp trong cả nền kinh tế.

Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản,...

Với 4 lĩnh vực trên, ban nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất 6 nhóm chính sách thử nghiệm, gồm: Chính sách khu công nghiệp - khu kinh tế, chính sách phân loại xanh, chính sách tư vấn công nghệ - chuyển giao công nghệ, chính sách tín dụng xanh - trái phiếu xanh, chính sách đào tạo lao động và chính sách đất đai.

Theo đó, các chính sách thử nghiệm tập trung vào việc ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài hoạt động đầu tư dự án kinh tế tuần hoàn, cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh hay việc hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn,...

Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Đánh giá tài chính là một trong những trụ cột đố với kinh tế tuần hoàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để thúc đẩy tài chính xanh, bên cạnh tiêu chí xanh đối với các định chế tài chính, các dự án thì nguyên tắc thị trường rất quan trọng, dù có ưu đãi, hỗ trợ, phối hợp với các chính sách tài khoá khác như thuế, phí.

Theo ông, tài chính xanh là sáng tạo có rủi ro nên cần có cách để xác định, chia sẻ rủi ro ấy thì thị trường mới vận hành, các nhà đầu tư, các định chế tài chính mới tham gia vào quá trình ấy.

"Câu chuyện thành lập định chế để thúc đẩy tài chính xanh này, kinh nghiệm có rất nhiều mà chúng ta có thể cân nhắc như thành lập ngân hàng xanh, đầu tư xanh, đặc biệt với Việt Nam nên xây dựng cơ chế quỹ tài chính xanh hoặc ngân hàng thương mại bán buôn liên quan đến tài chính xanh", ông Thành nói.

TS. Thành đánh giá, các cách huy động vốn tài chính truyền thống quan trọng nhưng nhiều khía cạnh không phù hợp với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Đây là sự đa dạng các loại hình công cụ, sự huy động các loại hình vào để thúc đẩy tài chính xanh. Bên cạnh vấn đề trước mắt cần có một lộ trình dài hạn để phát triển các định chế tài chính xanh.  

TS. Trần Thị Hồng Minh thì nhấn mạnh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng) trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh.”

Để tạo dựng "sức sống" cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy "phục hồi xanh."

Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình Chính phủ vào quý II/2023.

Hạ An