Sắp hết thời bộ ngành ôm 'đất vàng'
Việc Bộ Tài chính xây dựng nghị định quy định hướng dẫn thực hiện chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mà Quốc hội phê duyệt tháng 6/2017, được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hữu hiệu tình trạng ôm “đất vàng”.
Còn tình trạng nể nang
Thống kê của UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau 15 năm triển khai kế hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành, đến nay đã có 10 cơ quan được đầu tư xây dựng trụ sở mới tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Tuy nhiên, điều nghịch lý là Hà Nội chưa được bàn giao lại mét đất nào, mặc dù theo quy định, cơ quan được đầu tư xây dựng trụ sở mới phải bàn giao lại trụ sở cũ.
Nói về nghịch lý trên, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, việc chưa có chế tài quy định rõ ràng trong việc thu hồi trụ sở cũ đã dẫn đến việc tổ chức thực hiện không đạt hiệu quả, còn nhiều vướng mắc. Theo quy định hiện hành, Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao rà soát, lập phương án sắp xếp lại trụ sở các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc các bộ, ngành có trụ sở mới không tự giác trả lại trụ sở cũ khiến việc sắp xếp, thu hồi lại đất cũ gặp nhiều khó khăn.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc xử lý chưa quyết liệt, thậm chí còn có tâm lý nể nang giữa Bộ Xây dựng và người đứng đầu các bộ, ngành là một phần nguyên nhân khiến việc thu hồi trụ sở cũ gặp khó khăn, dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước. Đã có hàng nghìn tỷ đồng chi cho việc xây dựng trụ sở mới của một số bộ ngành với quy mô từ 10 đến 18 tầng, nhưng trụ sở cũ nằm ở những vị trí “vàng” nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ lập tức được “chuyển đổi” chức năng của các bộ phận khác. Duy nhất, có trụ sở cũ của Bộ Nội vụ mới được chuyển giao lại cho Bộ LĐ-TB&XH vào tháng 5/2017.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Như Ý. |
Bộ trưởng Tài chính toàn quyền thu hồi “đất vàng”
Để xử lý tình trạng trên, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã tập trung làm rõ thẩm quyền của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là thẩm quyền của Bộ trưởng Tài chính trong việc thu hồi trụ sở cũ của các bộ, ngành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ ngày 1/1/2018, trước khi quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, thu hồi đất phải có văn bản gửi Bộ Tài chính (đối với trụ sở của cơ quan trung ương) và Sở Tài chính (với trụ sở cơ quan nhà nước thuộc địa phương) để lấy ý kiến. Nội dung lấy ý kiến phải xác định rõ lý do giao, thu hồi; diện tích dự kiến giao, thu hồi; phương án bố trí quỹ đất để di dời trụ sở trong trường hợp thu hồi kèm theo việc xin giao đất…
Việc Bộ Tài chính, sở tài chính tham gia và có ý kiến ngay từ đầu về việc cơ quan đề nghị được xây trụ sở mới sẽ giúp cơ quan quản lý tài sản công biết rõ trụ sở mới có đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, định mức không, nắm rõ trụ sở cũ được sử dụng để làm gì. Từ đó, cơ quan quản lý tài sản sẽ theo dõi, giám sát quá trình xây dựng trụ sở mới và bàn giao lại trụ sở cũ, nên sẽ không còn tình trạng có trụ sở mới vẫn “ôm” trụ sở cũ như thời gian qua.
Theo quy định, các bộ, ngành sau khi được đầu tư trụ sở mới phải bàn giao lại trụ sở cũ để bố trí nơi làm việc cho cơ quan khác có nhu cầu, hoặc giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, việc chưa có chế tài rõ ràng là lý do khiến Hà Nội chưa thu hồi được “đất vàng”, dù thành phố đã chuẩn bị sẵn 100 ha đất sạch giao cho các bộ, ngành. Để tạo ra hành lang xử lý thông thoáng, dự thảo nghị định này nêu rõ thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công thuộc Bộ trưởng Bộ tài chính.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản công sau: Trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý; Tài sản không phải là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý phải thu hồi nhưng bộ, cơ quan Trung ương không thu hồi.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, việc giao quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi trụ sở bộ, ngành sau khi đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới là phù hợp, bởi đây là cơ quan quản lý tài sản công của Chính phủ. Việc Bộ Tài chính tham gia từ đầu quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt đề xuất xây dựng trụ sở mới bộ, ngành là điều kiện thuận lợi để buộc đơn vị được xây dựng trụ sở mới phải cam kết rõ thời gian bàn giao lại trụ sở cũ; từ đó hạn chế tối đa lãng phí ngân sách... |