Sản xuất ô tô giữ nhịp
Tháng giáp Tết, sức mua ô tô vẫn giảm | |
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức đối mặt với làn sóng sáp nhập để cạnh tranh |
Tăng đầu tư
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, Tập đoàn Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách để thông báo về việc đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 tại Việt Nam, quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất từ giữa năm 2020, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Năm 2017, Mitsubishi Việt Nam bán được 6.672 xe ô tô các loại. Thương hiệu Mitsubishi hiện đang chiếm 9% thị phần tại Việt Nam, trong số các thành viên Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Nhiều doanh nghiệp ngành ô tô tại Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư để mở rộng sản xuất, lắp ráp |
“Việt Nam là một trong những địa bàn sản xuất quan trọng, thị trường tiềm năng của Tập đoàn trong khu vực Đông Nam Á, với nguồn lao động trẻ, có tay nghề ưu tú”, ông Kozo Shiraji, Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Motors cho hay.
Trong khi đó, tại Công ty Ford Việt Nam, cùng với lễ ra mắt xe mẫu xe Ford Ecosport phiên bản 2018 tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2018, doanh nghiệp này cũng đang thực hiện việc nhập khẩu 2 mẫu xe mới cho mục đích nghiên cứu thị trường và chuẩn bị sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam.
Ngay cả với Ford Ecosport, Ford Việt Nam cũng không giấu mục đích đẩy mạnh lắp ráp mẫu tại Việt Nam để đủ điều kiện hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện dùng cho việc lắp ráp xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Theo đó, doanh nghiệp phải đạt sản lượng chung 16.000 xe, riêng một mẫu xe thuộc nhóm chở người dưới 9 chỗ và dung tích 2.500 cc phải đạt 6.000 xe. Năm 2017, Ecosport bán được 3.977 xe, trong tổng số 28.588 xe của Ford tại Việt Nam.
Tuy nhiên, được trông chờ nhất phải kể tới nhà máy mới sản xuất, lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda, công suất 100.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD, được Công ty Ô tô Trường Hải xây dựng trên diện tích 35 ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng 3/2018.
Nhà máy này có sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, cùng với định vị là nhà máy hiện đại nhất của Mazda nói riêng và của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở khu vực ASEAN nói chung. Sản phẩm sẽ hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Sản xuất trong nước có cơ hội
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/2/2018, nhập khẩu linh kiện ô tô đạt kim ngạch 332 triệu USD. So với mức 387 triệu USD của cùng kỳ năm 2017, có thể thấy, sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn được giữ ở mức ổn định.
Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi về lý thuyết, kể từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 0%, cơ hội để ô tô ngoại, sản xuất tại Thái Lan, Indonesia đổ bộ vào Việt Nam, nhấn chìm ngành sản xuất ô tô trong nước đã được dự báo trước.
Thời điểm tháng 2/2016, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu đạt 2.768 chiếc, với kim ngạch 58 triệu USD. Đến tháng 2/2017, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 40% về 30%, lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh với 7.883 chiếc, kim ngạch 131 triệu USD.
Tuy nhiên, tại thời điểm 15/2/2018, con số này chỉ là 32 chiếc. Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ có 1 chiếc ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu.
Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ô tô trong 2 tháng đầu năm 2018 không có sự đột phá kinh ngạc, dù thuế nhập khẩu về 0%, là bởi những quy định chặt chẽ của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường với ô tô nhập khẩu.
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm. Tuy nhiên, dường như không có thống kê chi tiết nào về số lượng lao động làm việc trong khâu sản xuất của ngành ô tô tại Việt Nam. Chi tiết này cho thấy mức độ ảnh hưởng của ngành này, nếu các cơ sở sản xuất trong nước phải đóng cửa trước làn sóng áp đảo của ô tô nhập khẩu.
Câu chuyện Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố TP. Gunsan đang ở trong tình trạng khủng hoảng về công nghiệp và việc làm do General Motors (GM) đóng cửa nhà máy có 2.000 lao động, đã cho thấy những hậu quả không dễ khắc phục khi người lao động không có công ăn, việc làm.
Câu chuyện hàng loạt hãng xe lớn như GM, Ford tiếp tục quay về đầu tư cho sản xuất tại Mỹ theo lời kêu gọi của Tổng thống Trump, hay chuyện GM đóng cửa Nhà máy tại Hàn Quốc, là những ví dụ sinh động cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam với ngành công nghiệp ô tô trong quá trình giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.