Sàn thương mại điện tử Trung Quốc sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp
Ảnh minh họa.
Tại buổi Toạ đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam, đại diện sàn giao dịch điện tử Trung Quốc - ASEAN đã bày tỏ mong muốn hợp tác và tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam.
Theo ông Zhang Bo Phó Giám đốc sàn giao dịch điện tử Trung Quốc - ASEAN, nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang ngày càng tăng, đặc biệt là đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc muốn sang Việt Nam để tìm kiếm nhà phân phối nhằm đưa sản phẩm trực tiếp từ các doanh nghiệp Việt Nam về tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, ông Bùi Huy Hoàng cũng cho rằng: "Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài với quy mô rất lớn, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu lên tới 2.000 tỷ USD".
Cùng với chi phí nhân công ngày càng tăng nên hiện nay có rất nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc đã từng có lợi thế thì nay đã không còn tạo ra không gian cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng.
Các lĩnh vực như nông sản, dệt may, da giày,... của Việt Nam có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử muốn sang nhập khẩu hàng Việt Nam về phân phối tại Trung Quốc.
Trong thời gian tới, một số sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc như Alibaba sẽ làm việc với thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
"Việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, lao động,... Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội để quảng bá và bán sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc", ông Hoàng cho biết.
Hiện tại, các doanh nghiệp logistic và phân phối cũng Trung Quốc cũng đang phát triển rất mạnh nên doanh nghiệp Việt có thể tận dụng để thay đổi mô hình "bán tại vườn" hay chở hàng ra biên giới như hiện nay.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương
Đồng quan điểm với ông Hoàng, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương cho rằng: "Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết lại Hiệp định thương mại biên giới để đưa thương mại tiểu ngạch dần trở thành đường chính ngạch tạo tiền đề cho đầu tư về hạ tầng của hai nước.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt nên tiếp cận với những mô hình thương mại mới, hiện đại hơn để tránh những lãng phí không cần thiết. Mô hình buôn bán qua sàn giao dịch điện tử đang dần phổ biến và trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Ngoài ra, mô hình này cũng khá phù hợp với trình độ của các doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng đang hợp tác với đơn vị cung cấp để xây dựng nền tảng công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã áp dụng phương thức kinh doanh chỉ bán online và trên các trang thương mại điện tử những cũng rất thành công như Xiaomi, Elephone, Infinix,...Do đó, việc hợp tác với các sàn giao dịch trực tuyến sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để tiến quân vào thị trường đông dân nhất thế giới.