Sân bay Cà Mau, Rạch Giá khai thác bình quân… 1 chuyến/ngày
Sáng 29/6, UBND TPHCM và Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và Giải pháp với sự tham dự của lãnh đạo nhiều Bộ Ngành Trung ương, TPHCM, các tỉnh khu vực Nam Bộ và trên 100 chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, GS Dương Như Hùng (Đại học Bách Khoa TPHCM) và nhóm nghiên cứu ĐHQG TPHCM cho biết trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải cả bên trong, bên ngoài và trên bầu trời thì hầu hết các sân bay khác trong khu vực Nam Bộ đang thừa công suất.
GS Dương Như Hùng
Cụ thể: Cảng hàng không Cà Mau và Rạch Giá (Kiên Giang) có tần suất khai thác 1 chuyến bay/ngày. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trong năm 2018 chỉ đạt 835.100 lượt hành khách, tương ứng 27,8% công suất thiết kế.
Sân bay Cà Mau thuộc địa phận phường 6, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, phía tây cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 3 km, phía đông cách biển khoảng 45 km.
Cảng Hàng không Cà Mau là sân bay vệ tinh, trực thuộc Cụm cảng Hàng không miền Nam. Đây là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C có khả năng tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có trọng tải cất cánh tương đương.
Sân bay Cà Mau
Sân bay Cà Mau được xây dựng từ thời Pháp, còn gọi là phi trường Moranc, tại thị trấn Quản Long, tỉnh An Xuyên (nay là tỉnh Cà Mau). Khi đó, đường hạ, cất cánh dài 400 mét, rộng 16 mét.
Tháng 6 năm 1962, sân bay này được thiết kế lại với quy mô là 1 sân bay hạng G. Diện tích sân bay là 91,61 hecta, đường hạ cất cánh dài 1050 m, rộng 30 m. Sau năm 1975, sân bay này thuộc sự quản lý của Cụm sân bay Tân Sơn Nhất và được gọi là Cảng Hàng không Cà Mau. Tuy nhiên, sân bay bị bỏ hoang một thời gian dài. Năm 1995 Cụm cảng Hàng không miền Nam tiến hành nâng cấp, xây dựng mới nhà ga và khu nhà văn phòng.
Năm 1999 đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1500 m, rộng 30 m, bề mặt phủ bê tông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương.
Cảng hàng không Rạch Giá thuộc địa phận phường Vĩnh Lợi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Sân bay Rạch Giá có 1 đường cất hạ cánh (CHC), 1 đường lăn vuông góc với đường CHC, nối đường CHC với sân đỗ tàu bay; kích thước 85m x 15m. Sân bay Rạch Giá có 1 sân đỗ tàu bay kích thước 200m x 76m, bảo đảm 04 vị trí đỗ cho tàu bay.
Một góc sân bay Rạch Giá
Theo quy hoạch tổng thể được Bộ GTVT phê duyệt, sân bay Rạch Giá đến năm 2015 sẽ là cảng hàng không cấp 3C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, F 70 và tương đương.
Tại hội thảo, GS Dương Như Hùng cho biết có 80% sân bay đang hoạt động với công suất dưới 5%.
Trong khi đó năm 2018, ngành hàng không vận chuyển 71,4 triệu lượt hành khách thì đã có 38,5 triệu lượt hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (chiếm 53% cả nước). Sân bay này chỉ có công suất thiết kế khoảng 25 triệu lượt hành khách/năm và đang đứng cuối bảng về chất lượng dịch vụ so với các sân bay quốc tế trong nước.
Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ
Cảng hàng không này nằm ngay giữa nội đô TPHCM, không có kết nối đường sắt, chỉ có kết nối đường bộ, chủ yếu bằng taxi và xe cá nhân. Theo GS Dương Như Hùng, tăng trưởng hành khách TSN tăng gấp 3,3 lần tăng trưởng GDP cả nước giai đoạn 1996 – 2017, trong đó đường bay quốc tế tăng 2 lần; quốc nội tăng 5,35 lần.
Do tình trạng quá tải nên sự tăng trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất đã có dấu hiệu chựng lại. Trong khi sản lượng hành khách cả nước của ngành hàng không năm 2018 tăng 15% so với năm 2017 thì sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tăng 6,4%.
Cảng Hàng không quốc tế thường xuyên quá tải cả bên trong, bên ngoài và trên bầu trời
“Nếu Tân Sơn Nhất được mở rộng lên 50 triệu hành khách/năm và sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2028 (tức chậm 3 năm so với kế hoạch) thì sẽ có khoảng 198 triệu lượt hành khách mất cơ hội bay, ứng với thiệt hại cơ hội kinh tế tối thiểu 19,8 tỷ USD”, GS Hùng cảnh báo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/