|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Samsung, LG, Intel,... có thể mất lợi ích từ các chính sách ưu đãi nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng

22:10 | 18/04/2023
Chia sẻ
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho và Giám đốc kế toán tài chính Canon Việt Nam Tomoki Miyazaki đều nhận định rằng việc áp thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến các doanh nghiệp FDI gặp khó và giảm sức cạnh tranh.

Vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực FDI, các tập đoàn đa quốc gia, có quy mô lớn.

Tại hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” hôm nay,  ông Choi Joo Ho,  Tổng giám đốc Samsung Việt Nam – doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam hơn 20 tỷ USD (lũy kế từ năm 2008), cho biết Samsung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ông Choi cho khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp FDI không còn hiệu quả. Nếu không ứng phó tốt sẽ dẫn tới sự gia tăng những gánh nặng về thuế cho nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo là sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, theo Dân trí.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam. (Ảnh: Tiền Phong).

Thuế tối thiểu toàn cầu là thoả thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng vào 2024. Mức thuế tối thiểu được áp dụng là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Việt Nam đang trong quá trình đánh giá, cân nhắc việc áp dụng loại thuế này.

"Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”, báo Tiền Phong dẫn kiến nghị từ ông Choi Joo Ho.

Trong khi đó, ông Tomoki Miyazaki, Giám đốc tài chính kế toán của Canon Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp khi mất ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm sức cạnh tranh so với doanh nghiệp ở các quốc gia khác.Điều đó có thể gây ảnh hưởng đến việc phân phối kế hoạch sản xuất của tập đoàn với các quốc gia khác cạnh tranh hơn.

"Các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư hay đầu tư mới sẽ thay đổi kế hoạch đầu tư vào các quốc gia khác có chính sách ưu đãi hơn để đầu tư", ông nói.

Đại diện các tập đoàn đều cùng đề xuất cơ quan điều hành sớm xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho việc sụt giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam phát sinh do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hỗ trợ sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp, kèm các tiêu chuẩn áp dụng đi kèm. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Theo đó, nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: Tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm.

Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh cũng nhận định thêm rằng nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án FDI đang được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn tác dụng, từ đó ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án,

Theo ông Robert King, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. 

Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng, bao gồm quyền lợi của nhà đầu tư, biện pháp hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư và các biện pháp hỗ trợ phải bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2. 

Doanh Chính