|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Samsung: Đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á

08:03 | 20/05/2022
Chia sẻ
Vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất, thông qua việc xây dựng trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D mới, Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.

Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam thực hiện nghi thức đánh dấu mốc hoàn thành xây dựng phần thô công trình. (Ảnh: VGP).

Giá trị của FDI chất lượng cao

Cuối tuần qua, Samsung Việt Nam chính thức hoàn thành xây dựng phần thô Trung tâm R&D mới tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội. Được khởi công từ tháng 3/2020, việc hoàn thành phần thô của công trình tương đương với 70% khối lượng công việc là một mốc quan trọng đảm bảo việc thi công đúng tiến độ để có thể hoàn thành xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung vào cuối năm 2022 như cam kết với Chính phủ Việt Nam.

Việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn đã khẳng định những đóng góp thực tế và giá trị của những nguồn vốn FDI chất lượng cao cho Việt Nam, mà Samsung là một ví dụ điển hình. Từ đó, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam

Ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: "Thông qua trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới này, Samsung sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) cho khoảng 2.200 cán bộ công nhân viên người Việt dự kiến sẽ làm việc tại đây, đồng thời phát triển mở rộng sang lĩnh vực công nghệ cao là trọng tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo AI, cơ sở dữ liệu lớn bigdata, mạng 5G… Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển nói chung của Việt Nam.".

Đến nay, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung đã thi công được 26 tháng. Trong thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19, việc xây dựng đã gặp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và thành phố Hà Nội, các mốc quan trọng của dự án đều được hoàn thành đúng tiến độ. "Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xây dựng mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong việc quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á", ông Choi Joo Ho cho biết thêm.

Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam thực hiện nghi thức đánh dấu mốc hoàn thành xây dựng phần thô công trình

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của FDI chất lượng cao

Câu chuyện của Samsung chỉ là một trong các minh chứng cho thấy Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Giám đốc Vận hành của LEGO Carsten Rasmussen nhấn mạnh, sự ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý chiến lược và tay nghề nhân lực chất lượng cao là những lý do cho dự án 1 tỷ USD của doanh nghiệp này, với cam kết phát triển bền vững, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Theo các chuyên gia, một trong những điểm khiến Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến thu hút FDI chính là nhờ khả năng quản trị tốt của Chính phủ Việt Nam.

"Sự quản trị tốt là rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Và việc Chính phủ Việt Nam thăng hạng 33 bậc trong bảng xếp hạng quản trị Chandler Index của Singapore là minh chứng rõ nhất. Có một số lĩnh vực cụ thể mà quá trình cải cách hành chính rất quan trọng. Việc hợp lý hóa quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tôi vẫn nhớ những ngày chúng tôi phải mang một xe tải giấy tờ cho hải quan mỗi khi chúng tôi cần xuất khẩu từ Việt Nam, giờ thì đã đơn giản hơn rất nhiều", ông Thomas Bo Pedersen, Giám đốc điều hành, Công ty Mascot tại Việt Nam và Lào, đánh giá.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện là yếu tố thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới, với dự báo ít nhất tăng trưởng 10% so với năm 2021.

Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam, cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, hứa hẹn tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cứ điểm chiến lược của nhiều doanh nghiệp FDI trên thế giới.

Nguyễn Đức