|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Saigonbank đặt kế hoạch lợi nhuận 130 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 8,5% trong năm 2020

15:37 | 01/07/2020
Chia sẻ
Trong năm 2020, Saigonbank đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho vay 8,5% so với năm trước, huy động vốn tăng 2,7% và lợi nhuận trước thuế giảm gần 30% với 130 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương (Saigonbank) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 30/6. 

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỉ đồng, giảm 29% so với năm trước. Tổng tài sản tăng nhẹ từ 22.813 tỉ đồng lên 22.968 tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ cho vay tăng 8,5% đạt 16.336 tỉ đồng. Tổng vốn huy động dự kiến tăng khiêm tốn 2,7%.

Ngân hàng cho biết sẽ tăng cường đưa ra các gói sản phẩm huy động và các tiện ích gia tăng để khai thác nguồn vốn huy động từ dân cư. Đồng thời tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi COVID-19.

Cùng với đó, các cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 (sau thuế là 144,6 tỉ đồng). Sau khi trích lập các quĩ theo qui định, lợi nhuận luỹ kế còn lại dùng để chia cổ tức (nhưng chưa chia) là 134 tỉ đồng. 

Giải thích về việc chưa chia cổ tức trong năm nay, Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm cho biết: "Khi tôi nhận chức TGĐ cách đây 3 năm, tôi có đứng ra xin lỗi cổ đông về việc chia cổ tức. Đáng ra năm nay, chúng tôi sẽ báo cáo xin phép chia với tỷ lệ 4%, ngân hàng cũng đã có sẵn nguồn tiền, nhưng vẫn xin phép cổ đông để dành chưa chia, ngân hàng sẽ trình các cấp có thẩm quyền để có thể chia cổ tức trong đầu năm 2021. 

Năm nay, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính. Chúng tôi cam kết năm 2020, dù COVID-19 tác động nặng nề, ngân hàng cũng sẽ quyết tâm đạt mục tiêu lợi nhuận", theo báo Tổ quốc.

Trúc Minh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.