Rừng Amazon bốc cháy và 8,2 tỉ USD đang bị thiêu rụi
Theo các nhà hoạt động môi trường, rừng Amazon đem lại giá trị kinh tế to lớn, bằng 50% tất cả các khu rừng nhiệt đới khác trên Trái Đất cộng lại. Ảnh: AP
Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở Brazil chỉ quan tâm đến các lợi ích tài chính ngắn hạn, nên đã cho canh tác, khai thác, và xây dựng cơ sở hạ tầng khiến hệ sinh thái phong phú nơi đây dần bị hủy diệt. Ảnh: Reuters.
Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Nature gần đây đã chứng minh rằng nếu rừng Amazon được bảo tồn, nó sẽ đem đến lợi ích kinh tế trị giá 8,2 tỷ USD mỗi năm, vượt xa những lợi ích ngắn hạn có được từ hành vi phá rừng. Ảnh: Greenpeace.
“Rõ ràng rừng Amazon cần được cứu nếu đo lường theo các giá trị kinh tế thuần túy”, nghiên cứu trên tạp chí Nature nhận định. Ảnh: Reuters.
Con số 8,2 tỷ USD bao gồm lợi nhuận đến từ những ngành lâm nghiệp bền vững hiện được triển khai tại Amazon như trồng rừng dẻ Brazil hay trồng rừng cao su. Bên cạnh đó, một trong những lợi ích đáng kể là việc rừng Amazon giúp giảm thiểu carbon dioxide và điều hòa thời tiết địa phương. Ảnh: Flickr.
Ngược lại, chặt phá rừng bừa bãi sẽ gây sụt giảm lượng mưa trầm trọng, có thể khiến ngành nông nghiệp thiệt hại đến 422 triệu USD/năm. Ảnh: ABC News.
Để có được những số liệu trên, các nhà kinh tế học và kỹ sư nông nghiệp quốc tế đã phải dày công nghiên cứu, phân tích hàng loạt yếu tố, và vẽ ra một bản đồ giá trị kinh tế trên toàn thể rừng Amazon. Ảnh: Nat Geo.
Thậm chí họ cho rằng giá trị mà khu rừng này - nếu không bị tàn phá như hiện nay - mang lại có khả năng còn cao hơn 8,2 tỷ USD/năm. Ảnh: Getty.
Tại Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích rừng Amazon, Tổng thống Jair Bolsonaro là một người chống lại toàn cầu hóa, phủ nhận sự tồn tại biến đổi khí hậu, và đã đề nghị Brazil rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Ảnh: Getty.
Kể từ khi lên nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2019, ông Bolsonaro nới lỏng luật bảo vệ môi trường, cho khai thác, canh tác và xây dựng đập trong rừng Amazon. Ảnh: Nat Geo.
Hậu quả là rừng Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng. Kể từ ngày 15/8, đã có hơn 9.500 vụ cháy rừng mới xảy ra trên khắp Brazil. Ảnh: AFP.
Cộng đồng quốc tế lên án dữ dội Tổng thống Bolsonaro. Phần Lan kêu gọi EU trừng phạt thương mại Brazil, bao gồm cấm nhập khẩu thịt bò từ nước này. Pháp cũng lên tiếng cảnh cáo Brazil.
Đối mặt với sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, mới đây Tổng thống Bolsonaro buộc phải đổi giọng và cho biết sẽ triển khai quân đội chống cháy rừng. Ảnh: Getty.