Cháy rừng Amazon - 'lá phổi' địa cầu trước nguy cơ bị bức tử
Cháy rừng tại Amazon đang ở mức cao nhất kể từ khi Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INEP), cơ quan hàng không vũ trụ của Brazil, bắt đầu theo dõi vào năm 2013, theo CNN.
Trong thông báo ngày 20/8 của INEP, từ đầu năm 2019 đến nay có ít nhất 72.843 đám cháy bùng phát tại Brazil, trong đó hơn 1/2 số trường hợp nằm tại khu vực Amazon. Số vụ cháy tại "lá phổi" của địa cầu tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Cháy rừng với tốc độ kỷ lục tại Amazon có thể nhìn thấy được từ vệ tinh NOAA-20 của Cơ quan Đại dương và Khí tượng Mỹ. Ảnh: NOAA.
Rừng Amazon đang cháy với tốc độ kỷ lục
Rừng Amazon có diện tích gần bằng 1/2 nước Mỹ, là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất.
Những cánh rừng nguyên sinh tại đây mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Đó cũng là mái nhà của vô số các loài động vật và thực vật mà các nhà khoa học thậm chí còn chưa đặt tên hết.
Theo các nhà khí tượng Brazil, các đám cháy hiện tại ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận São Paulo cách hơn 2.700 km. Khói bụi che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố ngày 20/8 bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm.
Chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cùng ngày công bố một báo cáo cho thấy khói bụi từ cháy rừng Amazon đang lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 đất nước, lan sang cả các láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Theo nghiên cứu của INPE, những ngọn lửa đang nuốt chửng rừng mưa nhiệt đới Amazon với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thường xuyên chỉ trích các quy định môi trường và tổ chức bảo vệ môi trường kìm hãm kinh tế quốc gia. Ảnh: AFP.
Hiệu ứng Bolsonaro
Các nhóm bảo vệ môi trường trong thời gian qua chỉ trích tình trạng nguy cấp hiện nay tại Amazon có bàn tay của Tổng thống Jair Bolsonaro. Chính trị gia cực hữu vừa nhậm chức vào đầu năm 2019 đã mạnh tay nới lỏng nhiều quy định về môi trường tại Brazil đồng thời cổ súy phá rừng.
Những chính sách của Bolsonaro ngay từ đầu đã gây tranh cãi. Cựu sĩ quan quân đội Brazil khi tranh cử đã hứa hẹn với cử tri, và dĩ nhiên cả những mạnh thường quân rót tiền cho ông vận động bầu cử, rằng ông sẽ vực dậy nền kinh tế quốc gia bằng cách khai phá tiềm năng kinh tế tại Amazon.
Ông Bolsonaro ngày 4/8 sa thải giám đốc INPE, nhà vật lý học Ricardo Galvão, sau khi vị viện trưởng gọi tổng thống Brazil là "kẻ hèn nhát" khi phủ nhận nạn phá rừng. Bolsonaro trước đó bác bỏ kết quả nghiên cứu của INPE về tình trạng rừng biến mất nhanh đến kinh hoàng tại Amazon, với tổng diện tích bị tàn phá đạt gần 4.500 km2 chỉ trong 7 tháng qua.
Tổng thống Brazil cáo buộc INPE "dối trá" và Giám đốc Ricardo Galvão "làm việc cho một tổ chức phi chính phủ". Phủ nhận báo cáo khoa học của INEP, ông Bolsonaro cảnh cáo những thông tin từ trung tâm gây hại cho đàm phán thương mại, theo Agencia Brasil.
Chính sách ủng hộ doanh nghiệp của tổng thống Brazil đã cổ súy nông dân, thợ mỏ và lâm tặc tiến sâu hơn vào các cánh rừng Amazon, theo Carlos Rittl, Tổng thư ký tổ chức Đài quan sát Khí hậu.
Nghiên cứu của chương trình vệ tinh Copernicus về biến đổi khí hậu cho thấy cháy rừng ở Amazon đang thải một lượng khí carbon khổng lồ vào bầu khí quyển. Ảnh: Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus.
Cắt giảm ngân sách và can thiệp cấp liên bang khiến việc khai phá trái phép rừng rậm nhiệt đới trở nên dễ dàng. Cơ quan môi trường Brazil đến nay đã cắt giảm gần 23 triệu USD ngân sách, hiệu quả hoạt động giảm chóng mặt kể từ khi Bolsonaro nhậm chức. Tuy nhiên, tổng thống cực hữu và cựu ngôi sao về thuyết âm mưu trên YouTube tiếp tục phủi sạch trách nhiệm.
Trong tuyên bố mới đây, Bolsonaro nói chính phủ không có đủ nguồn lực để chống cháy rừng. Ông còn cáo buộc "các tổ chức phi chính phủ" là thủ phạm gây cháy rừng, nghĩ có người muốn trả thù việc cắt giảm ngân sách môi trường.
"Chúng tôi đã lấy tiền của các NGO. Giờ họ đang thấy nhói vì thiếu tiền tài trợ. Có thể các NGO đã gây nên những vụ việc này để tạo tâm lý tiêu cực chống lại tôi và chính phủ Brazil. Chúng ta đang đối đầu với một cuộc chiến", Bolsonaro đưa ra thuyết âm mưu trên truyền thông quốc gia mà không kèm bất kỳ bằng chứng nào.
Amazon trước nguy cơ chết mòn
Tổ chức Hòa bình Xanh hồi tháng 7 gọi Bolsonaro và chính phủ của ông là "mối đe dọa đối với cân bằng khí hậu" toàn cầu. Tổ chức môi trường quốc tế cảnh báo những chính sách cực đoan của Bolsonaro về lâu dài sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Brazil.
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF) cùng nhiều nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế cho biết Amazon đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp.
Trong gần 50 năm qua, gần 1/5 diện tích rừng Amazon (hơn 770.000 km2) đã bị đốn hạ và thiêu rụi ở Brazil. Lượng rừng khổng lồ biến mất gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu và lượng mưa tại khu vực. Bể chứa carbon lớn thứ hai của Trái Đất, chỉ xếp sau các đại dương, đang bị đe dọa.
Rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới đang tiến gần đến ngưỡng "không thể đảo ngược". Các nhà khoa học cảnh báo viễn cảnh mất thêm 1/5 diện tích rừng nhiệt đới tại Brazil sẽ kích hoạt hệ quả dây chuyền là "chết ngược", theo The Intercept
Gần 1/5 diện tích rừng Amazon tại Brazil đã biến mất trong gần nửa thế kỷ qua. Tốc độ phá rừng đang tăng nhanh trong năm 2019. Ảnh: The Intercept.
Cây rừng sẽ chết khô dần từ lá hoặc rễ do hệ sinh thái bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sống.
Rừng rậm Amazon có thể chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn. Khi vượt khỏi giới hạn này, Amazon có nguy cơ trở thành những tràng cỏ (savannah) khô cằn, không đủ khả năng duy trì môi trường sống cho gần 3 triệu loài động-thực vật nơi đây.
Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, Amazon sẽ không còn là "lá phổi" của địa cầu. Thay vì sản xuất khí oxy, trảng cỏ Amazon khi đó sẽ thải khí carbon và làm tăng tốc biến đổi khí hậu. Đó sẽ là kịch bản thảm họa đối với thế giới.
Không những giải phóng một lượng carbon khổng lồ vào khí quyển, lượng hơi nước dồi dào từ Amazon cũng biến mất theo những cánh rừng nhiệt đới, giảm khả năng của khí quyển hấp thụ phóng xạ từ Mặt Trời.
Kịch bản Amazon mất thêm 1/5 diện tích rừng hoàn toàn có thể xảy ra trong vòng 1 thế hệ. Điều này đã xảy ra trong suốt 50 năm qua và nó đang tiếp diễn ngay lúc này.