|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rủi ro đầu tư tại Việt Nam dưới trải nghiệm của một CEO nước ngoài

14:22 | 01/10/2016
Chia sẻ
Đồng ý chủ trương nhanh nhưng triển khai chậm chạp, nguy cơ không được bảo mật thông tin... là những rủi ro mà bà Somhatai Panichewa - CEO của Amata Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2016.

Tại diễn đàn CEO 2016, bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành (CEO) của Amata Việt Nam chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp tư nhân và nhà nước về cách họ nhìn những dự án.

rui ro dau tu tai viet nam duoi trai nghiem cua mot ceo nuoc ngoai
Bà Somhatai Panichewa, CEO Amata Việt Nam.

Theo bà Somhatai Panichewa, gần đây khi Amata có ý định đầu tư vào Quảng Ninh, UBND tỉnh đã chỉ ra rất nhiều dự án, kêu gọi các phòng ban khác nhau trong và ngoài tỉnh tham vấn.

Tất cả mọi người đều đồng ý với việc Amata đặt vấn đề tham gia đầu tư. Nhưng khi Amata thực sự xin giấy phép thì lại có những ý kiến khác nhau, khiến việc triển khai trở nên chậm chạp.

Với xuất phát từ một Tập đoàn nước ngoài, nên khi đã đầu tư vào Quảng Ninh nói riêng, Amata không muốn rút ra bởi Công ty đã đăng ký - bà Somhatai nói.

Theo bà này, trước khi bước chân vào Việt Nam, Amata đã nghiên cứu rất kỹ để triển khai, vì vậy sự khác nhau giữa cái gật đầu nhanh chóng về chủ trương và sự chậm chạp khó khăn trong triển khai thực hiện khiến các nhà đầu tư mất niềm tin và môi trường đầu tư.

Một trải nghiệm không vui khác, theo bà Somhatai, là khi Amata đầu tư hàng trăm hecta tại Khu công nghiệp Amata Đồng Nai năm 1994. Lúc đó, Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp - Sonadezi nắm 30% vốn tại dự án này.

Bà Somhatai cho rằng, khi một doanh nghiệp nhà nước nắm 30% vốn Amata thì yếu tố mà Công ty cần là trách nhiệm về pháp luật. Việc đấu giá các dự án của Amata phải mang lại giá trị nào đó.

Trong việc hợp tác với Sonadezi, doanh nghiệp nhà nước này cần tập trung vào giảm thiểu chi phí trong khi Amata chú trọng vào chất lượng, hai bên làm việc với nhau trên phương diện hợp tác lẫn đối thủ.

Tuy nhiên, những thông tin mà Hội đồng quản trị Amata có được thì Sonadezi cũng biết đến. Bà Somhatai đặt vấn đề, liệu đối tác sẽ dùng những thông tin của Amata cho những dự án của họ. Doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn học hỏi cách làm, phát triển chất lượng khu công nghiệp để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào, bà Somhatai nhìn nhận.

Nữ doanh nhân này nhấn mạnh, sự cống hiến của Sonadezi chỉ là đất đai với diện tích 100 ha, trong khi Amata có hơn 600 ha và được đầu tư bằng vốn chủ sở hữu. Theo cách này thì ngoài phần đất từ đối tác, Amata có thêm sự hỗ trợ về mối quan hệ với chính quyền.

Mặt khác, bà Somhatai cho rằng, doanh nghiệp nhà nước không phải là chủ, những người đại diện phần vốn nhà nước thay đổi thường xuyên, như vậy sự tiếp diễn của người kế nhiệm cũng là vấn đề bởi họ cũng rất chậm chạp.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không chậm thì những ủy ban đánh giá hiệu quả dự án, ý kiến của chính quyền địa phương cũng gây ra sự trì trệ.

CTCP Amata Việt Nam thành lập năm 1994 với số vốn đăng ký là 20.4 triệu USD, do Amata trực tiếp nắm giữ 61.83%. Mục đích chính của Amata Việt Nam là phát triển bất động sản khu công nghiệp, các khu phức hợp thương mại, dự án khu dân cư và cung cấp các dịch vụ liên quan khác…, trong đó mục đích ban đầu khi thành lập nhằm quản lý khu công nghiệp Amata Biên Hòa.

Do thiếu hụt nguồn khách hàng từ Nhật Bản nên Amata mở rộng thị trường ra phía Bắc từ nhiều năm nay. Cụ thể, tại Quảng Ninh, Amata liên doanh với Tập đoàn Tuần Châu (tỷ lệ 70% và 30%) để xây dựng dự án Amata City Ha Long, khu đô thị công nghệ cao với quy mô khoảng 5.790 ha, tại thị xã Quảng Yên.

Toàn bộ dự án dự kiến sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian 10-15 năm và vốn đầu tư dự kiến 1.6 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo việc làm cho khoảng 300.000 người và khoảng 5 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Theo kế hoạch dự án dự kiến động thổ vào tháng 12/2013 và cuối năm 2014 sẽ có nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động. Tuy nhiên tiến độ thực tế đã chậm hơn so với dự kiến.

Hồi tháng 7 vừa qua, Amata đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc chuyển đổi vị trí khu công nghiệp Phương Nam trong quy hoạch (thuộc TP Uông Bí) sang xã Sông Khoai lấy tên là khu công nghiệp Sông Khoai (700 ha ở thị xã Quảng Yên).

Việc chuyển vị trí đầu tư KCN đã được UBND tỉnh chấp thuận và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nhà đầu tư cũng dự kiến khởi công dự án KCN Sông Khoai giai đoạn 1 vào ngày 24/12/2016.

Tiến Vũ