|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Rủi ro chính trị năm 2017 lớn nhất từ Thế chiến II

21:20 | 05/01/2017
Chia sẻ
Thị trường chỉ mất 3 ngày để thoát khỏi Brexit, 3 tiếng để giũ bỏ thất bại của bà Clinton và 3 phút để quên đi cuộc trưng cầu dân ý tại Italy.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 4/1, tiến sĩ Brian Klaas của trường London School of Economics cho rằng, kể từ sau Thế chiến II, rủi ro chính trị chưa bao giờ lớn như hiện nay.

Theo ông Klaas, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá nhiều sự kiện diễn ra cùng một lúc, khiến các quốc gia gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình.

Mặc dù xảy ra trong năm 2016 nhưng những sự kiện như việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hay cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn có thể gây ra những bất ổn cho thế giới trong năm 2017.

Tại khu vực châu Âu, các nhà lãnh đạo và nhà đầu tư sẽ theo dõi cuộc đàm phán Brexit và các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2017. Bên cạnh đó, sự chuyển biến của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump cũng sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn.

rui ro chinh tri nam 2017 lon nhat tu the chien ii
Năm 2017 dự báo sẽ có nhiều biến động chính trị

Ông Klaas cho rằng tình trạng bất ổn là không thể tránh khỏi tại Mỹ bởi nhiều người sẽ không chấp nhận những thay đổi đã, đang và sẽ diễn ra. Cường quốc số 1 thế giới đang có 1 vị tổng thống sẵn sàng chọc tức con rồng Trung Quốc đang ngủ say.

Mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác, ông Klaas nhận định quyền lực thế giới đang tái cân bằng sau những lời có cánh ông Trump giành cho Tổng thống Nga – ông Vladimir Putin. Điều này có thể gây ra nhiều biến động và thay đổi cho phần còn lại của thế giới.

Thị trường phản ứng với thay đổi chính trị

Bất chấp những biến động trong năm 2016, các thị trường tại Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ với kỳ vọng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ thúc đẩy lạm phát và nền kinh tế nước này.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 4/1, giám đốc chiến lược Vasileios Gkionakis của UniCredit nhận định, kể từ sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump trước bà Hillary Clinton, thị trường hoàn toàn bỏ qua các yếu tố tiêu cực mà chỉ hướng tới những yếu tố tích cực dưới thời vị tổng thống mới.

Theo vị lãnh đạo này, nước Mỹ dưới thời ông Trump có rất nhiều ẩn số và chưa có nhiều cơ sở để đánh giá những ẩn số này. Thị trường đã không “dừng lại để thở” và đánh giá lại các cơ hội hiện nay.

Mặc dù chính trị là nhân tố quan trọng tác động đến bức tranh thị trường 2017, giám đốc chiến lược Michael Livijn của Nordea cho rằng rủi ro dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp, định giá và lãi suất.

Ông Livijn nói: “Đúng, chính trị là một phần của bức tranh, nhưng là trong năm 2016. Tôi cho rằng tác động của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh và đặc biệt là cuộc bầu cử tại Mỹ không thực sự lớn như những gì được viết trên báo. Thị trường chỉ mất 3 ngày để thoát khỏi Brexit, 3 tiếng để giũ bỏ thất bại của bà Clinton và 3 phút để quên đi cuộc trưng cầu dân ý tại Italy.”

Chính trị thu hút sự tập trung cao độ vào thời điểm này. Do đó, ông Livijn cho rằng đây sẽ là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới thị trường trong năm sau, đặc biệt là tại châu Âu. Tuy nhiên, tác động thực sự của chính trị vẫn là dấu hỏi lớn.

Theo vị lãnh đạo của Nordea, nếu thị trường quá tập trung vào chính trị, tình trạng bán tháo sẽ diễn ra sau một số sự kiện bất lợi. Vậy sự điều chỉnh đó là do thị trường hay các sự kiện chính trị?

Khi chuẩn bị một chu kỳ mới, ông Livijn cho rằng các nhà đầu tư nên bắt đầu bằng việc đánh giá tổng quan danh mục đầu tư để đảm bảo tính thống nhất với chiến lược của mình.

Năm 2017 sẽ là một năm của các sự kiện chính trị nhưng bên cạnh đó còn là những số liệu kinh tế, mùa báo cáo, cuộc họp của các ngân hàng trung ương, biến động lãi suất và hàng ngàn thứ khác mà chúng ta chưa từng nghĩ tới. Nếu hiểu về các động lực kinh tế trong ngắn hạn, các nhà đầu tư sẽ có chiến lược để phân bổ tài khoản hợp lý.

Thạch Thảo

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.