|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Room ngoại nới dễ, hút vốn mới khó

21:50 | 27/04/2017
Chia sẻ
Vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài đang là đề tài nóng trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay. Lãnh đạo các DN đều kỳ vọng điều này có thể tạo ra một cú hích cho giá cổ phiếu trên thị trường.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2017 của Công ty CP Hàng không VietJet tổ chức ngày 20/4 vừa thông qua chủ trương tăng giới hạn tỷ lệ năm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49%.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT VietJet cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không nội địa tối đa là 30%. Song HĐQT VJC nhận thấy việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là cơ hội tốt để tăng tính thanh khoản giao dịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư và tăng khả năng huy động vốn cho công ty. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VietJet là 26,02%.

room ngoai noi de hut von moi kho
Quyết định rót vốn của nhà đầu tư còn phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của chính bản thân DN. Ảnh: N.Hiền

Tương tự, tại ĐHĐCĐ năm 2017 vừa được tổ chức trung tuần tháng 4 vừa qua, Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) đã được cổ đông thông qua đề xuất thay đổi điều lệ công ty chuẩn bị cho nới “room”. Cụ thể, công ty sẽ bỏ hai ngành nghề kinh doanh là vận tải đường bộ và quảng cáo trong điều lệ công ty. Tiếp đó, công ty sẽ hoàn tất thủ tục cần thiết để nới “room” lên 100%.

ĐHĐCĐ của Công ty CP Dệt may - đầu tư – thương mại Thành công (TCM) cũng vừa thông qua kế hoạch nới “room” từ 49% lên 100%. Quy trình nới “room” sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ được tăng từ 49% lên 70% và được thực hiện trong năm 2017. Trong giai đoạn 2, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ được tăng từ 70% lên 100%. Công ty chưa có quyết định về thời gian thực hiện giai đoạn 2.

Hiện TCM đã kín “room” ngoại 49% với một cổ đông tổ chức lớn là Eland Asia Holdings PTE.LTD nắm 43,23% vốn. HĐQT cho biết mục đích tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược để thực hiện chiến lược tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng giá trị trên thị trường.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng dự kiến trình kế hoạch nới “room” ngoại lên 100% tại ĐHĐCĐ vào cuối tháng 4/2017 tới. Từ khi cổ phiếu HCM niêm yết trên sàn TP.HCM đến nay, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài luôn chạm mức trần 49%. Tương tự, kế hoạch nới “room” cũng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ của nhiều DN như FCN, DHG… Ngoài ra, nhiều DN khác cũng đưa vấn đề này vào chương trình ĐHĐCĐ sắp diễn ra như HBC, PVI, CTD…

Không phải “cây đũa thần”

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đánh giá, nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài không phải là câu chuyện mới của thị trường chứng khoán, nhưng thời gian gần đây lại được nhiều DN nêu ra với mong muốn tạo cú hích cho giá cổ phiếu cũng như việc thu hút vốn. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa thực sự với những DN mà “room” đã ở trạng thái kịch trần. “Đối với những DN mà “room” ngoài còn nhiều, có nới hay không cũng không khác nhau nhiều” – ông Khánh nhận định.

Ngoài ra, trên thực tế có những DN dù kín room nhưng sau khi nới “room”, hiệu quả thu hút vốn cũng không như mong đợi. Qua đó cho thấy, ngoài vấn đề “room”, việc huy động vốn còn phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của bản thân DN đó và cơ cấu cổ đông của DN. Cụ thể, khi đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tính toán tới hiệu quả của việc đầu tư cũng như khả năng nắm quyền kiểm soát tại DN sau khi tăng tỷ lệ sở hữu…

Theo thống kê, trên sàn Hà Nội và TP.HCM hiện chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã kín “room”, hoặc tỷ lệ cổ phiếu có thể mua còn lại rất thấp. Trong đó, khối ngoại hiện đang sở hữu 48,82% vốn điều lệ của BMP, tương đương trên 22 triệu cổ phiếu. Phát biểu tại ĐHĐCĐ của BMP, đại diện SCIC chia sẻ, cả BMP và NTP đều nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC trong năm 2017.

Hiện SCIC đang nắm giữ 29,51% vốn điều lệ của BMP (13,4 triệu cổ phiếu). Trong khi đó, ngành nhựa hiện là ngành "hot" trong cuộc đua M&A (mua bán, sáp nhập DN) khi nhiều tập đoàn nhựa lớn trên thế giới luôn tìm cách thâu tóm DN trong nước để thâm nhập thị trường.

Điển hình là Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co, Ltd đang sở hữu 20,4% vốn tại BMP kể từ 2012 và đưa người vào HĐQT của BMP. Theo đó, giới quan sát nhận định, việc thu hút vốn ngoại của BMP sẽ khả quan do tham vọng của Saraburi trong ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn.

Trong khi đó, theo tài liệu ĐHĐCĐ 2017 của HSC, việc nới room sẽ đặt HSC trước một số vướng mắc. Cụ thể, HSC sẽ không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Bên cạnh đó, trong hoạt động tự doanh, tạo lập thị trường, hiện tại vẫn chưa có cơ sở pháp lý để xác định DN sẽ thuộc loại hình tổ chức kinh tế có vốn đầu tư trong nước hay tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi DN có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên 51%. Và trong trường hợp luật quy định khi DN có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên 51% bị đối xử như tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì HSC sẽ bị giới hạn trong hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, mã chứng khoán bị giới hạn sở hữu nước ngoài.

Cụ thể, HSC sẽ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán đối với nghiệp vụ tự doanh; hoạt động tự doanh cũng sẽ bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Đối với khoản đầu tư chưa thực hiện, việc đầu tư của HSC sẽ bị hạn chế khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Đối với các khoản đầu tư đã thực hiện, khi HSC có tỷ lệ sở hữu nước ngoài dưới 51% (được xem là công ty trong nước) đầu tư vào công ty mục tiêu bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ không gặp vấn đề rào cản pháp lý.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại HSC tăng lên từ 51% trở lên, lúc này HSC có thể sẽ được xem là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, và như vậy nếu khoản đầu tư vào công ty mục tiêu vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì có bị xem là vi phạm quy định về giới hạn đầu tư và bị xử phạt không? Về vấn đề này vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, hoạt động tạo lập thị trường, giao dịch chỉ số và cho vay chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mua vào các mã chứng khoán bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trên, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu của công ty tăng tính thanh khoản trong giao dịch, cải thiện khả năng huy động vốn cho công ty khi cần thiết và thay đổi cơ cấu cổ đông công ty theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Do đó, khi đưa ra kế hoạch nới room đồng nghĩa với việc HSC đã phải chấp nhận đánh đổi với những rủi ro kể trên.

Khải Kỳ