Ricons có gì khiến cổ đông Coteccons khao khát sáp nhập?
Triển vọng khó khăn, Coteccons đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 15%, cổ tức 30% | |
Biên lãi gộp giảm, lãi quý I Coteccons có công lớn từ công ty liên kết, hoàn nhập chi phí |
Ricons đã lớn mạnh như thế nào?
Ricons tiền thân là Công ty Phú Hưng Gia, thành lập vào năm 2004 và là công ty thành viên của Coteccons với tỷ lệ sở hữu gần 15%. Thời gian đầu, lĩnh vực hoạt động chính của Ricons là đầu tư và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2007-2008, thị trường bất động sản dường như đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao. Theo đó, Ban lãnh đạo Ricons đã có quyết định lấn sân lĩnh vực xây dựng.
Từ 2010 - 2014, Ricons tiến hành tái cấu trúc cơ cấu lãnh đạo. Hàng loạt nhân lực chủ chốt nhiều kinh nghiệm từ Coteccons được tăng cường vào đội ngũ quản lý của Ricons. Trong đó có ông Trần Quang Quân - Phó Tổng Giám đốc Coteccons được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Ricons.
Điều này không những mang lại nguồn thu mới cho Ricons nói riêng và Coteccons nói chung mà còn tạo nên lợi thế lớn cho Coteccons khi tham gia đấu thầu hoặc triển khai các dự án D&B. Theo đánh giá của lãnh đạo Ricons, Coteccons cùng với Unicons và Ricons đã cung cấp một dịch vụ khép kín cho các chủ đầu tư từ việc thiết kế, thi công cho đến tư vấn bán hàng. Đây là một lợi thế lớn mà khó một nhà thầu nào trong nước có thể so sánh được.
Cùng Coteccons, Ricons đã thực hiện nhiều dự án xây dựng quy mô lớn trên khắp cả nước. Ricons đã đảm nhận hàng loạt các dự từ nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước. Ðiển hình như dự án Pega Suite (TP HCM), Senturia Vườn Lài (TP HCM) Hyatt Regency Resort & Spa (Đà Nẵng), khu biệt thự Đại Phước Lotus (Đồng Nai), chuỗi trung tâm thương mại Big C (Bình Dương, Hạ Long, Ninh Bình, Bắc Giang), nhà máy Nestlé (Đồng Nai), CocaCola (Hà Nội), Foster (Đà Nẵng), Dorco Vina (Hưng Yên)...
Dự án The PegaSuite được tọa lạc giữa giữa 4 mặt tiền với 2 trục chính là đường Tạ Quang Bửu và mặt tiền đường Bình Đăng, TP HCM. |
Tốc độ tăng biên lợi nhuận của Ricons vượt mặt Coteccons
Điều này thể hiện khá rõ nét trong 5 năm qua. Biên lợi nhuận trước thuế của Ricons tăng dần qua các năm. Đặc biệt tốc độ tăng của biên lợi nhuận 2016, 2017 của Ricons vượt qua Coteccons.
Biên lợi nhuận trước thuế của Ricons và Coteccons (đơn vị%) |
Kết quả kinh doanh Ricons qua các năm. (MA tổng hợp). |
Kế hoạch kinh doanh 2018 Ricons cũng có vẻ tự tin hơn Coteccons khi đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 8.550 tỷ đồng, 375 tỷ đồng và tăng hơn 30% so với thực hiện 2017. Trong khi đó, kế hoạch Coteccons tăng nhẹ với doanh thu 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng.
Lý giải điều này, Chủ tịch Coteccons Trần Bá Dương cho rằng Công ty xây dựng kế hoạch dựa trên triển vọng về thị trường xây dựng trong năm có xu hướng chậm lại khi Nhà nước hạn chế dòng tín dụng cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, một số dự án có khả năng bị chậm triển khai vì các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai. Kết quả 6 tháng đầu năm 2018 không kém năm ngoái nhưng năm nay khó hơn khi đóng bảo hiểm cao. Coteccons phải bù đắp bằng cách doanh số lớn lên, đẩy mạnh mảng đầu tư.
Quý I/2018, Ricons ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn Coteccons với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trên 40%, lần lượt đạt 998 tỷ đồng, 46 tỷ đồng. Trong khi đó, Coteccons đạt doanh thu thuần 4.311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng và đều giảm so với cùng kỳ.
Cổ đông Coteccons lo ngại về vấn đề chảy máu chất xám, đề nghị sáp nhập với Ricons
Trước sự lớn mạnh của Ricons, nhiều tin đồn liên quan việc chảy máu chất xám tại "ông lớn" ngành xây dựng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt... tại đại hội cổ đông của Coteccons vừa qua, một số cổ đông đề nghị HĐQT Coteccons tìm các công ty quốc tế định giá Ricons cũng như các công ty thành viên để tiến hành sáp nhập.
Cổ đông đại diện Dragon Capital bày tỏ quan điểm không thích một công ty có nhiều công ty thành viên mà Contecons không nắm quyền chi phối. Dragon Capital mong muốn chỉ có "One Coteccons" (duy nhất Coteccons). Nếu công ty không có đội ngũ nhân sự tốt nhất, không có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhân viên thì sẽ gặp khó khăn về nhân sự.
Cổ đông lớn Kustocem cũng bày tỏ hoàn toàn đồng ý việc sáp nhập và yêu cầu phải có lộ trình rõ ràng, định giá độc lập, cổ đông Ricons cũng có quyền ý kiến về vấn đề này.
Việc chảy máu chất xám đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu CTD, ông Nguyễn Bá Dương khẳng định, những người nghỉ không ảnh hưởng đến công ty, Coteccons giữ chân những người muốn gắn bó, cùng đồng hành với Công ty. Đồng thời qua sự vụ trên, Coteccons có cơ hội thanh lọc đội ngũ nhân sự tốt hơn.
Theo ông Dương, Coteccons cũng không lo ngại việc bị mất khách hàng vì Công ty có uy tín và có khả năng đảm đương những công trình lớn. "Khách hàng truyền thống luôn giao việc cho Coteccons và 70% doanh thu của Coteccons đến từ khách hàng cũ", ông Dương cho biết.
Việc sáp nhập Ricons, cá nhân ông Dương đồng tình với ý kiến cổ đồng. Ông mong muốn sáp nhập các công ty thành viên vào Coteccons để có một doanh nghiệp lớn hơn, vươn lên làm những công trình lớn hơn dù cho các công ty này đang làm ăn rất tốt, đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Có thể thấy rằng, trước sự ra đi của "người cũ" và sự lớn mạnh của các công ty thành viên đặc biệt là Ricons thì những lo ngại về chảy máu chất xám của cổ đông Coteccons là có căn cứ. Tuy nhiên cũng phải lưu ý, nếu sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông sẽ có những thay đổi nhất định.
Danh sách cổ đông lớn Coteccons tính đến ngày 6/4/2018. |
Xem thêm |