Rabobank: Tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc giảm 10 - 15% vì dịch ASF
Mức độ thiệt hại của đàn heo do dịch tả heo châu Phi (ASF) tại Trung Quốc rất khó ước tính, dao động trong khoảng 20 - 70%.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) cho thấy đàn heo đã giảm 22% trong năm tính tới tháng 4, đây được xem là ước tính lạc quan nhất, theo các chuyên gia từ Rabobank.
Tuy nhiên, giá heo hơi và thịt heo đã biến động trong tháng 4 và tháng 5, sau khi tăng đột biến vào tháng 3, đặt ra những câu hỏi quan trọng về qui mô của đàn heo Trung Quốc.
Hai lời giải thích rõ ràng về sự sụt giảm của giá là đưa thịt heo đông lạnh ra thị trường trước khi cuộc kiểm tra mang tính bắt buộc của cơ quan chức năng bắt đầu vào ngày 1/7 và bán tháo heo ở một số khu vực mới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở miền Nam.
Mặc dù vậy, theo Rabobank, nguyên nhân có thể là do mức tiêu thụ giảm.
Các chuyên gia tin rằng tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc đã suy yếu vì những lo ngại của người tiêu dùng và nhà chế biến về an toàn thực phẩm.
Theo MARA, giết mổ heo tại các lò giết mổ qui mô lớn trong 4 tháng đầu năm 2019 đã giảm 8% so với cùng kì năm ngoái.
Do thị phần của các lò giết mổ qui mô lớn trong tổng sản lượng (và giả sử có sự gia tăng thị phần của họ khi các lò giết mổ nhỏ đã ngừng hoạt động kể từ trường hợp nhiễm virus ASF được báo cáo đầu tiên), tổng số heo giết mổ ở Trung Quốc đã giảm khoảng 10 - 15% trong 4 tháng đầu năm.
Vì giá thịt heo không thay đổi, vì vậy cung và cầu tương đối cân bằng tại thời điểm này, theo đó các chuyên gia từ Rabobank kết luận mức tiêu thụ thịt heo tại quốc gia châu Á giảm trung bình từ 10 - 15%.
Giá heo hơi và thịt heo tại Trung Quốc tương đối ổn định trong những tháng gần đây. Đơn vị: nhân dân tệ/kg. Nguồn: Rabobank.
Các kênh phân phối đáp ứng khác nhau
Các kênh thị trường chính cho thịt heo, sau khi giết mổ gồm chợ nông sản; cửa hàng bán lẻ thực phẩm; chế biến thịt (như xúc xích và sản phẩm giăm bông); chế biến thực phẩm (như bánh bao đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn); dịch vụ ăn uống; và thương mại điện tử.
Theo Rabobank, những thay đổi trong tiêu thụ thịt heo rất khác nhau giữa các kênh phân phối. Nhìn chung, các kênh bán lẻ tương đối linh hoạt với các tác động của dịch ASF, trong khi các kênh B2B, chế biến thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, đã ghi nhận phản ứng mạnh nhất với ASF.
Chế biến thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tiêu dùng có thương hiệu, có thể đã chuyển sang thịt heo nhập khẩu hoặc các protein động vật khác như thịt gia cầm, làm nguyên liệu sản phẩm.
Trong số các loại dịch vụ thực phẩm, ăn uống theo nhóm, chẳng hạn như căng tin tại trường học hoặc nhà máy, và phục vụ tại chỗ cho các công ty lớn, cũng được cho là đã chuyển từ thịt heo sang thịt gia cầm và các loại protein động vật khác.
Thịt ức gà, được sử dụng nhiều trong chế biến thịt và dịch vụ thực phẩm, ghi nhận giá tăng vọt trong năm nay và tăng 44% so với cùng kì năm ngoái trong tháng 5.
Trong khi đó, giá thịt bò, thịt cừu và thịt gà ở các thị trường bán lẻ thực phẩm tăng khiêm tốn hơn, trong đó tăng lần lượt 6%, 11% và 8% so với năm ngoái trong tháng 5. Điều này ngụ ý rằng việc thay thế thịt heo chủ yếu xảy ra trên các kênh B2B, và chủ yếu dựa trên nhận thức của người tiêu dùng về mối quan tâm an toàn thực phẩm.
Giá thịt gà tăng mạnh tại Trung Quốc nhờ dịch ASF. Đơn vị: nhân dân tệ/kg. Nguồn: Rabobank.
Tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc dự kiến tiếp tục thay đổi
Mặc dù những thay đổi về tiêu thụ cho đến nay trong năm 2019 chủ yếu là do lo ngại về an toàn thực phẩm, Rabobank nhận định đây chỉ là một động lực của việc nhu cầu thịt heo giảm ở Trung Quốc sau sự lây lan của dịch ASF. Động lực khác của sự thay đổi trong tiêu thụ thịt heo sẽ là giá.
Vì yếu tố giá vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, tiêu thụ thịt heo trong năm 2019 sẽ tiếp tục thay đổi, các chuyên gia tại Rabobank nhận định.
Rabobank vẫn giữ quan điểm Trung Quốc sẽ mất hơn 5 năm để hoạt động sản xuất thịt heo phục hồi hoàn toàn sau sự tàn phá của virus ASF.
Khoảng thời gian này sẽ đủ để người tiêu dùng quen với nguồn cung thịt heo ít hơn và nhiều protein khác trong các món ăn, đẩy nhanh xu hướng giảm tiêu thụ thịt heo như được nhìn thấy những năm gần đây. Tuy nhiên, ngay cả với tỉ lệ thịt heo giảm, thịt heo sẽ tiếp tục là loại protein chính được tiêu thụ ở Trung Quốc.