Rabobank: Thương mại thịt heo toàn cầu dự kiến giảm trong 2022
Theo báo cáo mới nhất từ Rabobank, COVID-19 sẽ tiếp tục là thách thức của chuỗi cung ứng thịt heo và người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau, ảnh hưởng đến cả sản xuất và nhu cầu.
Sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả rõ ràng hơn vào năm 2022, và lạm phát giá hàng hóa tiêu dùng sẽ gây thêm áp lực lên ví tiền của người tiêu dùng. Mặc dù, giá thịt heo tăng nhẹ vào cuối năm 2021 nhưng vẫn ở dưới mức đỉnh xác lập trong năm 2021.
Dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (ASF), là một bất ổn lớn khác đối với sản xuất thịt heo, với tác động thay đổi theo khu vực, bà Chenjun Pan, nhà phân tích cao cấp về protein động vật tại Rabobank, cho hay.
Tại châu Á, dịch ASF sẽ tiếp tục lan tại Trung Quốc, nhưng tác động sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2020. Các trang trại quy mô lớn đã cải thiện sản lượng sau khi bị tác động trong giai đoạn đầu năm 2021.
Chi phí tăng đe dọa lợi nhuận và các vấn đề lao động
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Giá vận chuyển, giá năng lượng và giá ngũ cốc, cùng với giá nhân công, đang thách thức chuỗi cung ứng thịt heo.
"Trong một nền kinh tế đang phát triển chậm lại, các nhà sản xuất và chế biến gặp khó khăn trong việc chuyển tất cả chi phí bổ sung cho người tiêu dùng, do đó lợi nhuận sẽ chịu áp lực", bà Pan nói thêm.
Chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn và vận chuyển, sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022.
Thời tiết khô hạn ở Brazil, lũ lụt ở Trung Quốc vào năm 2021, tồn kho thấp trên toàn cầu và tác động không chắc chắn của vụ phun trào núi lửa Tonga đều ngụ ý rằng chi phí đầu vào có thể tăng cao. Điều này sẽ tạo thêm áp lực giảm đối với lợi nhuận.
Ngoài ra, vấn đề lao động vẫn là một thách thức ở Bắc Mỹ và một số nước châu Âu.
Trên toàn cầu, các sản phẩm cần ít lao động hơn sẽ phát triển nhanh hơn so với các sản phẩm sử dụng nhiều lao động.
Thương mại toàn cầu sẽ giảm, nhưng giá cả sẽ vẫn tăng
Xuất khẩu và nhập khẩu thịt heo toàn cầu có thể sẽ giảm so với mức năm 2021, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu khi sản xuất trong nước phục hồi.
Mặc dù các nước nhập khẩu truyền thống - chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng với một số nước nhập khẩu mới - có khả năng sẽ thúc đẩy nhập khẩu, nhưng các nhà xuất khẩu lớn sẽ cần tìm sự cân bằng mới giữa cung và cầu.
"Bất chấp sự lan rộng của dịch ASF, chúng tôi kỳ vọng sản xuất ở một số quốc gia châu Á sẽ tiếp tục phục hồi. Tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, nhu cầu nhập khẩu giảm là kết quả của sự phục hồi sản xuất trong nước", bà Pan nói.
Ngược lại, tại Thái Lan, dù không phải là nhà nhập khẩu lớn, có thể tăng nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt gây ra bởi sự bùng phát của dịch ASF.
"Trong khi nhu cầu nhập khẩu toàn cầu có thể sẽ giảm vào năm 2022, chúng tôi kỳ vọng giá thịt heo sẽ tiếp tục phục hồi do chi phí sản xuất cao", bà Pan cho biết thêm.