Rà soát kỹ lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Chiều 4/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ mới sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp
Theo báo cáo tại cuộc họp, việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (dự thảo Nghị định) thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đang được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đó là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường được sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại từ 26 đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và 27 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo phương án này, sau khi hợp nhất đã giảm 25/55 đầu mối (tương ứng 45,45%).
Cơ cấu tổ chức bên trong các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổ chức cấp phòng và tương đương. Việc xây dựng Dự thảo Nghị định được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, đây là một trong những bộ tinh giản đầu mối nhiều nhất.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm sau khi thành lập, bộ đi vào hoạt động ngay, vận hành thông suốt, liên tục, không có khoảng trống pháp lý; bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; phù hợp với bối cảnh của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới; bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện thường xuyên, liên tục của hệ thống hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tập trung quản lý vĩ mô, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực trong thực thi chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.
Việc bố trí, sắp xếp nhân sự được tiến hành đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy và gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ mới sau sáp nhập, bảo đảm ổn định, hợp lý, phù hợp về năng lực, trình độ, sở trường công tác với vị trí việc làm của đơn vị; đồng thời quan tâm thực hiện chính sách cán bộ theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ: Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường... cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Nghị định. Một số ý kiến thảo luận, làm rõ một số nội dung về giảm nghèo, quản lý công trình nước sạch nông thôn, cơ chế đặc thù về tài chính, thu nhập đối với một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường...
Cập nhật, bổ sung các quy định pháp luật mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Nghị định không chỉ tập hợp cơ học nội dung 2 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 bộ; mà cần cập nhật, bổ sung các quy định pháp luật mới liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp... với nhiều ý tưởng quản lý mới.
Nhắc lại nguyên tắc “không giao một việc cho hai người,” Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, rà soát quy định của Luật giao cho Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, không để chồng chéo hay có khoảng trống.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải đưa ra những nhiệm vụ, chức năng rất rõ để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường phải đi trước mọi hoạt động kinh tế, xã hội; chuyển đổi kinh tế nông nghiệp bền vững, đa mục tiêu, bảo đảm an ninh lương thực, không gian phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải dựa trên rà soát chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời giải quyết những vấn đề còn trùng lắp trong quản lý nhà nước giữa các bộ, giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp.
“Khẩn trương xây dựng tiêu chí, chức danh, vị trí, việc làm phù hợp với công việc của từng cục, vụ,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị về quy định hoạt động chuyển tiếp của một số đơn vị sự nghiệp công lập không còn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường; cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù cho lĩnh vực (thú y, chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản); việc tiếp nhận nhiệm vụ giảm nghèo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét để có thể ban hành và có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội ra nghị quyết thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.