|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quyết định bất ngờ của Anh có thể khơi mào làn sóng tẩy chay Huawei ở châu Âu

18:02 | 06/07/2020
Chia sẻ
Chính phủ Anh đột ngột quyết định bỏ công nghệ của Huawei ra khỏi hệ thống công nghệ viễn thông 5G và động thái ấy có thể mở màn cho phong trào xa lánh Huawei ở lục địa già.

Mặc dù nổi tiếng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông giá thấp, chất lượng cao và đang đi tiên phong trong nỗ lực xây dựng mạng viễn thông 5G, Huawei đang đối mặt nhiều biện pháp cấm vận của Mỹ, theo báo South China Morning Post.

Giới quan sát nhận định sự áp chế của Mỹ có thể khiến Huawei mất khả năng cung cấp thiết bị chất lượng cao và đáng tin cậy.

Ở London, giai đoạn xây dựng mối quan hệ kinh tế và chính trị nồng ấm với Trung Quốc đã nhường chỗ cho sự hoài nghi tăng dần. Mới đây, Anh và Trung Quốc đã bất đồng quan điểm về việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh.

Nhiều báo Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson vừa quyết định bỏ hết công nghệ của tập đoàn Huawei khỏi hệ thống mạng 5G ngay trong năm nay.

BBC cho biết, tiến trình loại thiết bị Huawei khỏi hệ thống mạng 5G tại Anh sẽ bắt đầu trong những tháng tới. Chính phủ Anh cũng sẽ loại dần các thiết bị của Huawei mà họ đã sử dụng trước đó.

Quyết định ấy khiến nhiều người sửng sốt vì hồi đầu năm 2020, Thủ tướng Boris Johnson vẫn cho phép Huawei tham gia triển khai hệ thống mạng 5G tại Anh, nhưng giới hạn mức thị phần dưới 35% và chỉ tham gia những thành phần "không nhạy cảm".

Sau cảnh báo hồi tháng 6 từ phía chính phủ Mỹ, Johnson đã xem xét lại và thay đổi quyết định. Cơ quan Tình báo Anh, GCHQ, cũng cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Huawei khiến hãng viễn thông này phải sử dụng các linh kiện không đáng tin cậy cho hệ thống mạng tại Anh, tăng rủi ro cho hệ thống mạng trong tương lai.

Hồi tháng 3, chính phủ Mỹ bổ sung lệnh cấm với nguồn cung vi xử lý toàn cầu của Huawei. Các công ty lớn trong ngành như TSMC cũng buộc phải dừng dịch vụ đúc chip cho đế chế của tỉ phú Nhậm Chính Phi. Ngay cả việc sản xuất các dòng chip mà Huawei tự phát triển như HiSilicon cũng trở nên nan giải.

Quyết định bất ngờ của Anh có thể khơi mào làn sóng tẩy chay Huawei ở châu Âu - Ảnh 1.

Huawei nổi tiếng với khả năng cung cấp thiêt bị viễn thông giá rẻ, chất lượng cao. Ảnh: Daily Telegraph

Iain Duncan Smith, một cựu thủ lĩnh của đảng Bảo thủ, hối thúc Thủ tướng Johnson hành động nhanh chóng với Huawei.

"Nước Anh phải loại bỏ Huawei khỏi hệ thống mạng 5G trước cuộc bầu cử năm 2025", ông khẳng định.

Ông Matt Hancock, Bộ trưởng Y tế Anh, bình luận rằng Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ ra quyết định phù hợp để bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ an toàn.

Huawei đang cung cấp khoảng 1/3 ăng-ten băng thông rộng cho mạng 4G của Anh. London chọn hãng viễn thông Trung Quốc để triển khai 5G do công nghệ của Huawei vượt xa 12-18 tháng so với các đối thủ khác.

Có lẽ hiện tại Đức là nước cảm nhận áp lực lớn nhất từ quyết định bất ngờ của Anh. Mặc dù các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ quan điểm cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, chính phủ Đức sẽ chỉ ban hành các qui tắc về lắp đặt thiết bị cho mạng 5G sau tháng 9.

Deutsche Telekom, khách hàng lớn nhất của Huawei ở châu Âu - từng phản đối việc cấm cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Mỹ từng dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu Berlin cho phép Huawei tham gia hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.

Huawei liên tục bác bỏ mọi mối liên hệ với quân đội và ngành an ninh Trung Quốc. Dù vậy, trong nhiều tháng, Berlin phải chống áp lực từ Washington trong việc cấm hoàn toàn Huawei, tập đoàn đã có mối quan hệ dài hạn với nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Đức, bằng cách chỉ cho Mỹ thấy sự khác biệt giữa thành phần "cốt lõi" và "không quan trọng" trong mạng viễn thông 5G.

Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định rằng nếu Anh loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi toàn bộ cơ sở hạ tầng 5G, hành động ấy sẽ gây tác động rất lớn đối với cuộc tranh luận ở Đức, đặc biệt khi cuộc tranh luận mới nhất không chỉ liên quan tới các vấn đề an ninh và độc lập về công nghệ, mà còn liên quan tới khả năng của Huawei trong việc bàn giao thiết bị, trong bối cảnh Mỹ cấm vận Huawei.

"Động thái của Anh sẽ tạo lợi thế cho những người ủng hộ chủ trương cấm Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G ở Đức", bà Janka Oertel lập luận.

Năm ngoái, Wu Ken, đại sứ Trung Quốc ở Đức, đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu Berlin loại Huawei ra khỏi tiến trình xây dựng mạng 5G với tư cách nhà cung cấp thiết bị không dây. Vị đại sứ nhắc nhở chính phủ Đức rằng các hãng xe Đức đang bán hàng triệu ô tô ở Trung Quốc.

"Nếu Đức thực hiện quyết định khiến Huawei không thể tham gia thị trường viễn thông Đức, quí vị sẽ lãnh hậu quả. Chính phủ Trung Quốc sẽ hành động để đáp trả", ông Wu khẳng định.

Chí Quân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.