|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm trong khi giá lúa gạo tăng cao

06:55 | 29/03/2017
Chia sẻ
Trong quý I, giá lúa gạo nội địa luôn được duy trì ở mức cao, thậm chí cao hơn cả giá bán xuất khẩu. trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo tiếp tục giảm. Với kết quả này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể lâm vào tình cảnh "lỗ vốn". 
kim ngach xuat khau gao quy i giam trong khi gia lua gao tang cao
Kim ngạch xuất khẩu gạo quý I giảm trong khi giá lúa gạo tăng cao (Ảnh: Hồng Vũ)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, xuất khẩu gạo trong quý I giảm 18% xuống 1,28 triệu tấn, tương đương giảm gần 17%, chỉ đạt 566 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu gạo giảm do xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường giảm mạnh như Gana (giảm 64%), Hong Kong (giảm 44%), Malaysia (giảm 43%), Singapore (giảm 35%) và Bờ Biển Ngà (giảm 15%).

Một nguyên nhân nữa là do giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 426 USD/tấn.

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm, chiếm 36% thị phần. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này vẫn tăng mạnh, tới 58% lên 112,8 triệu USD.

Ngoài ra, Philippines giữ vị trí thứ hai với kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng 36% lên 78 triệu USD và chiếm 25% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này tăng mạnh song mức tăng này không bù được lượng kim ngạch giảm từ các thị trường khác.

Mặt khác, giá lúa gạo thu mua trong tháng 3 tăng mạnh nhờ thông tin Philippines sẽ sớm mở thầu mua gạo của Việt Nam và Thái Lan thông qua hợp đồng liên Chính phủ. Kết quả là giá lúa trong quý I tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng từ 200 – 600 đồng/kg so với thời điểm cuối năm trước.

Cụ thể, giá lúa tại An Giang tăng 600 đồng lên 4.900 đồng/kg; tại Vĩnh Long tăng 200 đồng lên 4.850 đồng/kg và tại Kiên Giang tăng 200 – 300 đồng lên 5.400 – 5.500 đồng/kg (lúa khô).

Theo Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ), từ ngày 1/1/2017, chỉ có 22 doanh nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện được phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Như vậy, những doanh nghiệp nằm ngoài danh sách này đang gặp khó khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, phần lớn sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị Philippines nằm trong hợp đồng thỏa thuận giữa các doanh nghiệp Philippines với Chính phủ nước này. Cụ thể, Cơ quan Lương thực nước này cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017. Đến ngày 28/2, các doanh nghiệp đã hoàn tất việc giao hàng theo hợp đồng này. Nhờ đó, lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này tăng mạnh. Sang đến tháng 3, ngành gạo Việt Nam vẫn đang chờ đợi những hợp đồng mới từ thị trường này.

Hồng Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.