Quý I tăng trưởng 500% nhưng khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng
Thời điểm trước dịch COVID-19, Trung Quốc cũng luôn là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giá trị chi tiêu trung bình của khách Trung Quốc đạt 1.022 USD/ chuyến đi, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam nên khi lượng khách Trung Quốc chưa phục hồi như trước dịch thì ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Thị trường trọng điểm của Việt Nam
Đánh giá về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp Thị Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Lượng khách Trung Quốc rải đều trong năm tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp mà không phải theo tính chất theo mùa.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch của người dân Trung Quốc đã thay đổi nhiều, giảm các du lịch đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai tăng các tour du lịch đường hàng không từ Thành Đô sang Việt Nam. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành trong nước điều chỉnh dòng sản phẩm để thu hút lượng khách Trung Quốc có khả năng chi trả cao hơn.
“Thời gian qua, Flamingo Redtours có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ở các khu vực Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh – là khu vực của người dân có thu nhập cao, từ đó điều chỉnh dòng sản phẩm để thu hút khách có khả năng với mức phí tốt hơn”, ông Hoan chia sẻ.
Lượng khách từ Trung Quốc vẫn chưa được như kỳ vọng
Theo dữ liệu tìm kiếm của Agoda, số lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam vào đầu năm 2024 đạt 95% so với năm 2020, thời điểm trước khi hạn chế đi lại do dịch COVID-19. Cụ thể, du khách đến từ Trung Quốc lựa chọn Việt Nam vì nền văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với Top 5 lựa chọn hàng đầu là TP HCM, Hà Nội, Nha Trang và Phú Quốc.
Thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia, trong ba tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 đến Việt Nam với 890 nghìn lượt, tăng 534,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù thị trường Trung Quốc đang phục hồi song ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, số khách Trung Quốc đến Việt Nam trong quý I vẫn còn kém xa năm 2019 (với hơn 1,7 triệu lượt khách, bằng 31% năm 2019). Đáng lưu ý, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam thời gian qua chủ yếu là phục vụ nhu cầu công tác, kinh doanh còn khách du lịch nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ thấp.
“Những điểm nóng để thu hút khách Trung Quốc như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc chưa có sự phục hồi nhiều. Trước COVID-19, mỗi ngày, Nha Trang đón từ 35 - 40 chuyến bay thẳng từ Trung Quốc và Đà Nẵng là 15 - 20 chuyến. Tuy vậy, đến nay, Nha Trang chỉ đón 5 - 7 chuyến bay, Phú Quốc chỉ 1 - 2 chuyến, thậm chí Đà Nẵng chưa có đường bay nào”, ông Dũng nêu rõ.
Ông Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân khiến khách Trung Quốc chưa phục hồi trước dịch như nền kinh tế Trung Quốc và thế giới ảm đạm sau dịch, chính phủ Trung Quốc đang tập trung kích cầu du lịch nội địa, dành nhiều khuyến mại và hỗ trợ nhằm phục hồi nền kinh tế nước nhà.
Hay nhiều điểm đến tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á xúc tiến mạnh hơn Việt Nam như cuối năm 2023, Thái Lan đã miễn visa tạm thời cho khách Trung trong mùa cao điểm từ 25/9/2023 đến 29/2 năm nay và tiếp đó là miễn visa vĩnh viễn từ 1/3. Bên cạnh đó, các đường bay thẳng chưa phục hồi dẫn đến giá vé cao, di chuyển chưa thuận tiện như trước dịch nên khách chưa đi nhiều.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng tắm biển, khách Trung Quốc thường nhu cầu giải trí và mua sắm cao. Tuy vậy, du lịch Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản, dịch vụ chưa đa dạng, chưa kích thích được nhu cầu mua sắm của khách Trung Quốc.
Để thúc đẩy khách Trung Quốc mua sắm tại Việt Nam, theo ông Hoan đề xuất lựa chọn hai dòng sản phẩm. Thứ nhất, dòng sản phẩm nội địa như thủ công mỹ nghệ, café và hoa quả vùng miền. Song, các sản phẩm này cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và tránh tình trạng chặt chém.
Thứ hai là dòng sản phẩm hàng hiệu. Người Trung Quốc là người tiêu thụ hàng hiệu rất lớn và họ thường sang Châu Âu, Singapore, Nhật Bản để mua sắm. Vì vậy, nếu Việt Nam có các sở mua sắm miễn thuế hay các trung tâm thương mại lớn có những thương hiệu quốc tế thì chắc chắn sẽ thu hút khách Trung Quốc có khả năng chi trả nhiều hơn.
Đánh giá thị trường Trung Quốc sẽ trở lại vị số 1 trong tương lai song Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng muốn thu hút khách Trung Quốc, ngoài việc thiết kế sản phẩm phù hợp, tập trung xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, thì giải pháp căn cơ là đẩy mạnh việc các đường bay thuê chuyến thẳng từ Trung Quốc đến các điểm du lịch biển.