Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030
Công nhận Sa Pa là Khu du lịch Quốc gia |
Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
Đến 2025, Vịnh Xuân Đài đặt mục tiêu thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, giải trí của tỉnh, của vùng; đến 2030, trở thành Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, KDLQG Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn xã Sông Cầu và huyện Tuy An; ranh giới được xác định phía Bắc gồm toàn ộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, phía Đông giáp biển, phía Tây lấy Quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu, phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, gồm các xã An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).
Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.
Mục tiêu cụ thể được vạch ra là đến năm 2025 đón khoảng 850.000 lượt khách, trong đó khoảng 25.000 lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 35.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) đến năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Còn nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2025 có khoảng 500 buồng; phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 950 buồng. Chỉ tiêu việc làm đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp; phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với khoảng 1.500 lao động trực tiếp.
Khu du lịch Vịnh Xuân Đài sẽ phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực.
Theo định hướng đầu tư, Khu du lịch này sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển KDLQG Vịnh Xuân Đài gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Khu du lịch Vịnh Xuân Đài sẽ được áp dụng các giải pháp cơ chế, chính sách về thuế, về hoạt động đầu tư, huy động vốn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường khách du lịch, ứng dụng khoa học và công nghệ, xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Cụ thể, một số giải pháp như cho phép các tổ chức, cá nhân được đóng góp quỹ đất vào dự án đầu tư theo hình thức góp vốn cùng kinh doanh; xem xét miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trong KDLQG; đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch theo quy định hoặc hỗ trợ một phần kinh phí hóa giá tài sản trên đất hiện có; dành ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa và bản sắc địa phương, các dự án hỗ trợ phát triển cho cộng đồng địa phương...