|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quy hoạch hồ Núi Cốc thành khu du lịch quốc gia trước năm 2025

11:53 | 22/11/2016
Chia sẻ
Hồ Núi Cốc phấn đấu đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách và có tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 860 tỷ đồng đến năm 2025.
quy hoach ho nui coc tro thanh khu du lich quoc gia truoc nam 2025
Hồ Núi Cốc phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2025 (Ảnh: Khám phá di sản)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, khu vực quy hoạch thuộc một phần thành phố Thái Nguyên, một phần huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành khu DLQG là 1.200 ha, không bao gồm diện tích nước.

Vùng lõi khu DLQG được tập trung đầu tư với các khu chức năng chính: Khu trung tâm có quy mô khoảng 700 ha; phân khu văn hóa – tâm linh trên bán đảo đền Bà Chúa Thượng Ngàn rộng khoảng 200 ha và phân khu sinh thái, nghỉ dưỡng trên đảo Kim Bằng, đảo Long Hội và bán đảo Tò Vò với quy mô khoảng 300 ha.

Mục tiêu được đưa ra là phấn đấu đến trước năm 2025, khu du lịch hồ Núi Cốc được công nhận là khu DLQG; đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của cả nước.

Cụ thể, hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10 nghìn lượt; đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20 nghìn lượt.

Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 mục tiêu đạt khoảng 860 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng tính theo giá hiện hành.

Theo định hướng, khu du lịch phải chú trọng vào phát triển cả khách du lịch trong nước và quốc tế, sản phẩm và không gian du lịch, nhất là các điểm du lịch sinh thái và điểm du lịch tâm linh.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được định hướng rõ, phát triển đủ số lượng buồng lưu trú cho khách du lịch theo từng giai đoạn. Nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2025 khoảng 1.000 buồng, trong đó trên 350 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; đến năm 2030 có khoảng 2.000 buồng, trong đó trên 500 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) tại các xã có hệ sinh thái chè được ưu tiên phát triển.

Ngoài ra, các cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở thương mại, ăn uống đều được nâng cấp và ưu tiên phát triển để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư, chú trọng vào hệ thống giao thông nội bộ kết nối các khu chức năng và giao thông đối ngoại gồm các đường tỉnh lộ 270, đường Quang Trung – tỉnh lộ 267, tỉnh lộ 261 và tuyến đường Đán – Hồ Núi Cốc, đầu tư tuyến mới từ thành phố Thái Nguyên vào khu DLQG và kết nối với ATK Định Hóa.

Các bến thuyền hiện có cần cải tạo, xây dựng một số bến thuyền tại khu phía Nam (xã Phúc Tân) và phía Tây (xã Vạn Thọ), nâng cao và xây mới bãi đỗ xe tại một số điểm du lịch quan trọng.

Đặc biệt, mực nước hồ phải đảm bảo để phục vụ hoạt động du lịch. Các hồ Núi Tấn, hồ Kẹm, hồ Hàm Long và hồ Nghinh Tường cần cải tạo để cấp nước bổ sung cho hồ Núi Cốc trong mùa cạn. Địa phương cần nâng cấp công trình đập chính xả lũ, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ sông Cầu vào hồ và xây công trình thoát lũ cho hạ du hồ trên sông Công.

Trong các giải pháp về đầu tư, ngoài kêu gọi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ban lãnh đạo khu du lịch nên có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả kinh tế hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, nhất là đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại khu không gian văn hóa Trà Thái Nguyên.

Linh Lê