|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quy hoạch thành phố sân bay Long Thành với 5 phân vùng

12:00 | 24/04/2022
Chia sẻ
Theo quy hoạch, huyện Long Thành sẽ trở thành thành phố sân bay với 5 phân vùng phát triển.

Ngày 22/4, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) thông tin về quy hoạch vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, theo Tiền Phong.

Theo đồ án quy hoạch, vùng huyện Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển xác định bởi địa giới hành chính, các tuyến giao thông chính và địa hình tự nhiên gồm: vùng đô thị thị trấn Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành; vùng đô thị Bình Sơn nằm ở phía đông bắc của huyện; vùng dịch vụ thương mại - đô thị hỗn hợp phía tây huyện; vùng khu vực chức năng đặc thù Cảng hàng không quốc tế Long Thành và vùng công nghiệp đô thị dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao phía nam sân bay Long Thành.

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV).

Lãnh đạo huyện Long Thành cho biết hiện nay tỉnh Đồng Nai cũng như huyện Long Thành đang thực hiện triển khai xây dựng mô hình thành phố sân bay Long Thành nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của sân bay Long Thành.

Mục tiêu nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng cũng như của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Vì vậy, địa phương mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị sân bay của các chuyên gia.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đến năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Khi hoàn thành xây dựng cả ba giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.  

Huy Hoàng

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.