Quy hoạch 2 bên sông Hồng: 'Thành phố đang lệch khỏi trung tâm quá nhiều'
PGS. TSKH. Nguyễn Văn Hùng cho biết, Hà Nội là thành phố "trong sông" nhưng do việc quy hoạch, phát triển cầu, đường trước đây chưa được cân bằng cho nên mảnh đất bên kia sông (Long Biên và Gia Lâm – PV) chưa được khai phá, tận dụng, khiến cho thành phố ngày càng tiến về phía Tây nên bị “lệch” khỏi trung tâm quá nhiều. Việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng sẽ giúp Thủ đô đỡ bị lệch và đưa khu phố cổ vào trong khu vực lõi nhiều hơn.
“Vì phát triển lệch như vậy cho nên việc lập quy hoạch 2 bên thành phố sông Hồng là rất cấp thiết, đẹp và hay, đồng thời góp phần mở rộng nội đô Hà Nội và tận dụng được mảnh đất rất giá trị này”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nói.
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Văn Hùng, trong khi lập quy hoạch thành phố ven sông thì cần phải gắn với chế độ thủy văn, sinh thái, mặt cắt, dòng chảy, trị thủy, chống bồi lở, sự phát triển kinh tế đô thị...
PGS. Nguyễn Văn Hùng trao đổi với phóng viên Reatimes. Ảnh: Tuấn Minh |
Nguyên Hiệu trường Đại học Xây dựng cho rằng, đối với thành phố 2 bên sông Hồng, nên xây dựng cả nhà cao và thấp tầng. Tuy nhiên, nên quy hoạch theo hướng, càng đẩy ra xa thì càng xây nhà cao tầng. Ở trong khu vực nội đô chỉ nên xây những dãy nhà thấp tầng.
“Nếu làm tốt khu vực ven sông có thể trở thành địa điểm du lịch rất hay với cảnh quan đẹp, dòng sông sinh thái cũng giúp môi trường Hà Nội trong lành hơn”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Văn Hùng, muốn có một đồ án quy hoạch thành phố ven 2 bên sông Hồng thật tốt, Hà Nội cần đứng ra tổ chức cuộc thi ý tưởng, lập quy hoạch dự án.
Trên cơ sở những ý tưởng, dự án tham dự cuộc thi sẽ chọn được ra những đề án tốt nhất. Sau đó, mời các nhà cố vấn hoặc đơn vị tư vấn tham gia vào thiết kế để đưa ra các bản thiết kế khách quan, giá trị. Sau khi thiết kế xong chi tiết, phê duyệt tỷ lệ 1/500 thì cho các nhà đầu tư tham gia vào đấu thầu.
“Vì cách hồ Hoàn Kiếm mấy trăm mét nên đất ở đó rất giá trị, nếu quy hoạch tốt, biết tận dụng đất cho đấu thầu để lấy tiền đó bồi thường cho người dân, số còn lại dùng đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội để giảm bớt nợ công và xây dựng cơ sở hạ tầng... là rất tốt”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Hà Nội đang mời một số đơn vị tư vấn vào nghiên cứu, lập quy hoạch thành phố ven 2 bên sông Hồng. Ảnh minh họa |
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Chiến, chuyên gia về công trình thủy và thủy lợi cho rằng, quy hoạch thoát lũ sông Hồng đã được phê duyệt năm 2010, nhưng việc thực hiện quy hoạch đó còn chưa nghiêm túc. Tình trạng lấn chiếm, xây cất công trình kiên cố vi phạm hành lang thoát lũ và Luật Đê điều khiến dòng dẫn của sông Hồng mấy năm bị tác động rất nhiều. Do đó, đã đến lúc phải quy hoạch lại dòng chảy và 2 bờ đê sông Hồng.
Theo GS.TS. Nguyễn Chiến, không thể để một hệ thống đê tồn tại hàng nghìn năm nay mà không cải tạo, thay đổi theo hướng hiện đại hơn.
“Quy hoạch lại để phát triển là đúng, có điều là thay đổi, phát triển thì phải hiện đại, hiểu rõ được lịch sử con sông. Các đơn vị thiết kế nên ở các nước có khoa học, công nghệ hiện đại và mối quan hệ chính trị tốt, lịch sử quan hệ không có vấn đề gì. Vì ở đây, không đơn giản là quy hoạch thông thường mà còn có cả yếu tố an ninh quốc phòng. Thứ nữa là phải tính đến đặc điểm con sông, không thể mang quy luật ở con sông khác về áp đặt cho sông Hồng, do đó phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng”, GS. TS. Nguyễn Chiến nhấn mạnh.
Theo quan điểm của GS. TS. Nguyễn Chiến, trong quy hoạch phải xem lại tuyến, lấn ra hay lùi vào? Chỗ nào lấn ra vi phạm luồng lạch, hành lang thoát lũ thì phải nắn thẳng, tiếp theo đó là kết cấu của đê.
“Đê đất có từ hàng nghìn năm nay, bây giờ nhiều vùng bị bồi đắp chiếm một diện tích rất lớn, xâm hại dòng chảy. Vì vậy, cần cải tạo một số đoạn từ đê đất sang bê tông hiện đại, dành diện tích để phát triển, như làm đường giao thông hay công viên,… chứ không thể xây dựng nhà cửa hay các công trình kiên cố tại chân đê”, ông nhấn mạnh.