Quốc hội thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), hiệu lực thi hành từ 1/7/2019
Sáng nay (20/11), với 452/465 đại biểu tán thành, 6 đại biểu không tán thành, 7 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với 10 chương, 96 điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Sáng nay Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Ảnh: Quochoi.vn. |
Luật nêu rõ các hành hành vi tham nhũng. Cụ thể, các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, người cung cấp thông tin về tham nhũng. Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, cung cấp thông tin, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác...
Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), Luật quy định gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình liên quan đến quy định “về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc”.
Để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu về nội dung này. Kết quả: có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu (32,16%) tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.