|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Qui hoạch chung Đà Nẵng tầm nhìn đến 2045: Đề xuất hình thành 12 phân khu đô thị chức năng

12:14 | 20/03/2020
Chia sẻ
Qui hoạch đô thị Đà Nẵng đề xuất hình thành 12 phân khu đô thị chức năng, 2 vành đai kinh tế, 5 phân khu phát triển gắn với 4 cụm làm việc ưu tiên tập trung và 1 điểm du lịch toàn thành phố.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức cuộc họp nghe Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo tiến độ thực hiện nội dung đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qui hoạch chung Đà Nẵng tầm nhìn đến 2045: Đề xuất hình thành 12 phân khu đô thị chức năng - Ảnh 1.

Mục tiêu của Đồ án là qui hoạch TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Theo đó, Ban chỉ đạo tổ chức lập đồ án  là UBND TP cho biết, đến nay nhiều nội dung cơ bản hoàn thành đúng tiến độ như tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ cộng đồng, chuyên gia và các doanh nghiệp trên địa bàn; thống nhất với đơn vị tư vấn về các chỉ tiêu chủ yếu; mô hình cấu trúc phát triển không gian, qui hoạch sử dụng đất.  

Còn một số  vấn đề chi tiết, nhỏ lẻ, Ban Chỉ đạo đã và đang tiếp tục làm việc với Đơn vị tư vấn để hiệu chỉnh hoàn thiện.   

Nội dung đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung đang xây dựng so với đồ án Qui hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt năm 2013 có nhiều ưu điểm với ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét hơn, có định hướng và phân kì theo các giai đoạn phát triển phù hợp; không qui hoạch dàn trải, gây lãng phí nguồn lực đất đai, hạ tầng kĩ thuật như hiện nay.

Đồ án đề xuất được những ý tưởng lớn như mô hình 2 vành đai kinh tế, 5 phân khu phát triển gắn với 4 cụm làm việc ưu tiên tập trung và 1 điểm du lịch toàn thành phố; qui hoạch 3 phân vùng kiến trúc cảnh quan gắn với vùng sinh thái thông qua việc phân chia 12 phân khu đô thị. 

Đồ án cũng đưa ra một định hướng chiến lược hạ tầng đáng chú ý như ý tưởng "thành phố ngàn hồ" thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa, tham gia đảm bảo an ninh nguồn nước mùa khô ...

Đến năm 2030, diện mạo của đô thị Đà Nẵng qua cấu trúc không gian đô thị với 3 khu vực đặc trưng; mặt nước, công viên và sườn núi và đất đô thị hiện trạng gắn kết qua 2 vành đai kinh tế phía Bắc và phía Nam.

Theo báo Đà Nẵng, Qui hoạch đô thị Đà Nẵng đề xuất hình thành 12 phân khu đô thị chức năng: ven sông phía đông, ven sông phía tây, ven Vịnh Đà Nẵng, cảng biển Liên Chiểu; phân khu công nghệ cao, phân khu trung tâm thành phố.

Phân khu đổi mới sáng tạo, sân bay, ven đồi; phân khu nông nghiệp công nghệ cao; khu sinh thái phía tây và phân khu sinh thái phía đông. Đà Nẵng cũng hình thành các trung tâm phát triển bao gồm trung tâm đô thị, dịch vụ công nghiệp, đổi mới sáng tạo, logistics và trung tâm thương mại gần ga đường sắt mới.

Về hạ tầng có cảng hàng không, cảng biển với 2 cảng Tiên Sa và Liên Chiểu; qui hoạch phát triển ga đường sắt mới. Hạ tầng giao thông đường bộ chuyển Bến xe khách Trung tâm thành phố thành ga xe buýt, mở thêm bến xe mới và giữ nguyên Bến xe phía nam hiện nay.

Tại cuộc họp, nhiều vấn đề được “mổ xẻ”  như việc cân nhắc lại về đề xuất mở rộng sân bay Đà Nẵng vượt quá công suất 30 triệu hành khách /năm. 

Với việc phát triển các sân bay lân cận như Chu Lai, Phú Bài thì lượng khách đi/đến tại sân bay Đà Nẵng chỉ nên giới hạn mức cao nhất là 30 triệu/năm; như vậy sẽ giảm suất đầu tư và phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng của thành phố.

Về xây dựng Cảng Liên Chiểu, theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đây là một dự án lớn được nhiều nhà đầu tư rất quan tâm, cần phải được nghiên cứu triển khai sớm. 

Tuy vậy, Cảng Tiên Sa hiện tại vẫn đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa trong nhiều năm nữa, vì vậy cần tính toán đến việc vận chuyển hàng hóa bằng xà lan thay vì đường bộ như hiện nay để  giảm tai nạn giao thông,...

Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu trực tiếp là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 128.543 ha; phạm vi nghiên cứu gián tiếp là khu vực các địa phương và vùng kinh tế liền kề với thành phố.

Mục tiêu quy hoạch được xác định là phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên; phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng...

Hà Lê