|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quầy hàng 4m2 tại chợ Bến Thành có giá sang nhượng lên đến 2,5 tỷ đồng

15:02 | 13/10/2017
Chia sẻ
Hiện nay tại TP HCM, giá thuê quầy hàng ở chợ Bến Thành là cao nhất, xấp xỉ 30 – 50 triệu đồng; sang nhượng quầy hàng diện tích 2 – 4 m2 tại đây có giá từ 1,2 - 2,5 tỷ đồng.
quay hang 4 m2 tai cho ben thanh co gia sang nhuong den 25 ty dong
Hiện nay tại TP HCM, giá thuê quầy hàng ở chợ Bến Thành là cao nhất, xấp xỉ 30 – 50 triệu đồng; sang nhượng quầy hàng diện tích 2 – 4 m2 tại đây có giá từ 1,2 - 2,5 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo nhận định của ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP HCM, cơ chế thuê sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành giá thuê, cơ chế thuê chủ yếu là cố định trên m2. Giá thuê còn tùy vào vị trí và thương hiệu của chính trung tâm thương mại (TTTM).

Đối với các trung tâm hay mặt bằng thương mại (shopping mall), giá thuê giao động khoảng 100 - 130 USD/m2, áp dụng cho tầng thấp. Các TTTM ngoài khu trung tâm có mật độ dân cư đông đúc giá dao động khoảng 40 – 60 USD/m2 như tại quận 10, quận 5, còn lại quận 2, quận 9, quận Gò Vấp hay Thủ Đức giá chỉ khoảng 25 – 35 USD/m2.

Những tổ hợp mua sắm, kiosk nằm trong khu TTTM, tiền thuê chủ yếu được tính dựa vào hình thức chia doanh thu và kèm theo doanh thu tối thiểu. Mức chia doanh thu dao động từ 18 - 25%, tùy vào tên tuổi mỗi thương hiệu và nếu so sánh với cơ chế thuê cố định thì mức doanh thu tối thiểu thông thường thấp hơn khoảng từ 20 - 30%.

Tại TP HCM, các trung tâm mua bán sỉ có thể kể đến những tên tuổi quen thuộc như Saigon Square, chợ Bến Thành, Lucky plaza, Taka plaza, An Đông, Bình Tây. Hiện nay giá thuê cao nhất là chợ Bến Thành, xấp xỉ 30 – 50 triệu đồng, các trung tâm còn lại từ khoảng 10 – 27 triệu đồng tùy theo vị trí.

Bên cạnh đó, các trung tâm này có thêm một hình thức hoạt động khác là sang nhượng quầy hàng với diện tích từ 2 – 4 m2, ví dụ như chợ Bến Thành có giá sang nhượng từ 1,2 - 2,5 tỷ đồng; các trung tâm khác thì giá khoảng 10.000 - 25.000 USD.

Ông Phạm Thái Bình cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.

Không những thế, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ ở mức 0,26 m2 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.

Trưởng Bộ phận Bán lẻ của Savills TP HCM đánh giá, nhiều thống kê cho thấy nhóm Truyền thống (mua sắm tại chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn chiếm ưu thế. Nhóm Hiện Đại (mua hàng tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị, TTTM) đang chiếm khoảng 25% thị phần, tuy nhiên nhóm này đang có những bước phát triển nhanh chóng.

Viện Nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Công Thương dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 11,9%/năm với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Chỉ số này tuy chỉ tương đương với thị trường Thái Lan vào năm 2016, nhưng tiềm năng của bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá cao bởi các yếu tố như dân số “vàng”, đô thị hóa nhanh tạo đà tăng trưởng thu nhập cho người dân.

quay hang 4 m2 tai cho ben thanh co gia sang nhuong den 25 ty dong BĐS bán lẻ TP HCM: Cung tăng - cầu giảm, vì sao giá thuê vẫn tăng?

Trong quý II, mặc dù nguồn cung BĐS bán lẻ TP HCM tăng, nhu cầu giảm nhẹ nhưng các chủ đầu tư vẫn tự tin ...

N.Lê