Nghiên cứu xã hội hóa đầu tư chợ Bến Thành
Tại buổi làm việc, báo cáo về việc đầu tư cải tạo chợ Bến Thành, Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết: Năm 2015 - 2016, quận đề xuất TP sử dụng hình thức đầu tư công để sửa chữa mái, nền, thoát nước, điện của chợ Bến Thành với kinh phí dự toán 62,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2019, rà soát và đề xuất lại với UBND TP thì chi phí khái toán lên 91,8 tỉ đồng.
Hiện nay, đầu tư công đang vướng về cơ chế quản lí của chợ là chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để quản lí và khai thác chợ. Cho nên, quá trình đầu tư, sửa chữa phải sử dụng quĩ sự nghiệp của chợ để làm việc này.
Trong khi đó, với kinh phí khái toán thì quĩ của chợ không đáp ứng được. Mặt khác, về quản lý chợ Bến Thành là biểu tượng của TP nên cần có tính toán để bảo tồn. Do đó, quận đề xuất TP đầu tư theo hình thức công để sửa chữa cho tươm tất.
Về vấn đề đầu tư chợ Bến Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thị Thanh Hiền cho biết, Chợ Bến Thành là đơn vị sự nghiệp công lập và theo quyết định phân loại là đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Theo quy định, việc sửa chữa, nâng cấp phải sử dụng quĩ hoạt động sự nghiệp của đơn vị và ngân sách nhà nước không cấp bù.
Về nguồn sửa chữa chợ Bến Thành, Sở Tài chính đã có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo Nghị định 02 năm 2003 của Chính phủ thì đối với chợ Bến Thành, kinh phí sửa chữa không được sử dụng ngân sách nhà nước.
Do đó, với chợ Bến Thành dựa theo quy định thì nguồn ưu tiên là xã hội hóa, đóng góp của tiểu thương, nguồn thu của Ban Quản lí chợ và quĩ sự nghiệp của chợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Nguyễn Trung Anh, về đề xuất của Quận 1 sử dụng vốn ngân sách sửa chữa chợ Bến Thành là hơi khó. Bởi vì, vốn ngân sách hiện nay Chính phủ chưa giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP nên chưa biết khả năng cân đối thế nào.
Còn theo Luật Đầu tư công, vốn ngân sách có đầu tư cho chợ được, nhưng đầu tư cho các chợ đầu mối, còn chợ Bến Thành không phải là chợ đầu mối nhưng có tính truyền thống và nếu TP quyết tâm làm thì Sở tham khảo từ các Bộ ngành về trường hợp này. Ở góc độ của Sở thì nên tính theo phương án huy động xã hội hóa là tốt nhất và làm nhanh hơn, có hiệu quả cao hơn so với nguồn vốn ngân sách.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình góp ý: Về chợ Bến Thành nên lợp mái ngói, kết cấu công trình gia cường và bảo tồn lại. Về kinh phí đầu tư, Ban Quản lí chợ bỏ kinh phí ra lập dự án đầu tư. Về nguồn vốn, vận động tiểu thương bỏ một phần; một phần xã hội hóa bằng hình thức cho quảng cáo điện tử xung quanh chợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đối với chợ Bến Thành có 3 khía cạnh là hoạt động kinh tế; di tích văn hóa lịch sử của TP (dù chưa được công nhận nhưng phải hướng tới); quản lí chợ như thế nào.
Do đó, với chợ Bến Thành, việc duy trì Ban Quản lí là đúng nhưng lâu quá nên cần suy nghĩ để đổi mới một cách quyết liệt. Quận phải có phương án bàn với tiểu thương để hình thành mô hình hợp tác xã hoặc công ty. Đồng thời, quận bàn với Sở Văn hóa - Thể thao đăng kí xét công nhận di tích cấp TP.
Về hoạt động kinh tế, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu chờ ngân sách là rất khó. Bởi vì, đây là đơn vị sự nghiệp có thu nên việc sửa chữa không đầu tư được nên phải dùng vốn sự nghiệp làm phương án cải tạo chợ.
Cùng với đó, vận động tiểu thương đóng góp; cho phép quảng cáo để lấy nguồn thu và vận động các doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận, các sở, ngành và quận phối hợp để triển khai cải tạo dự án phấn đấu trước 30/4/2021 hoàn thành việc cải tạo.