Quảng Nam hụt thu ngân sách hàng ngàn tỷ vì đại gia ô tô gặp khó
Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác thu ngân sách địa phương của Quảng Nam không đạt mục tiêu đề ra do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô giảm sút.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sáu tháng đầu năm 2017 của Bộ Tài chính, ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2017 chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam dự kiến là 11,5%, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam mới chỉ đạt 6,36%, với tốc độ này thì đến cuối năm Quảng Nam khó đạt chỉ tiêu 11,5% như đã đề ra.
Đại diện các đơn vị của tỉnh Quảng Nam tham gia hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Tài chính
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do ngành công nghiệp ô tô của Quảng Nam giảm sút. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ... có tốc độ tăng trưởng như các năm trước.
Liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, Phó chủ tịch Trần Đình Tùng cho biết: "Tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm cũng giảm, tốc độ tăng trưởng của ngành ô tô chỉ đạt 1,3% nhưng tồn kho thì tăng lên tới 260 lần so với giai đoạn cuối năm 2016, theo đó tình hình tiêu thụ ô tô cũng giảm mạnh".
Theo Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nếu dự toán năm 2017 khi Bộ Tài chính làm việc với tỉnh Quảng Nam về việc xây dựng tiêu thụ loại xe con là xe du lịch với số lượng khoảng 60 nghìn chiếc, như vậy trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 5 nghìn chiếc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc tiêu thụ xe ô tô con không đạt như con số dự kiến đề ra.
Cụ thể những tháng đầu năm 2017, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 5.000 chiếc nhưng từ tháng 3 đến nay lượng xe giảm còn 4.000 chiếc và đến nay đã giảm xuống, chỉ tiêu thụ được khoảng 3.000 chiếc. Và dự báo từ nay đến cuối năm tình hình tiêu thụ xe còn giảm nữa vì còn phụ thuộc vào tâm lý người tiêu dùng chờ đợi giảm thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 mới mua xe.
"Chính vì vậy mà số thu thuế được giao cho Quảng Nam thực hiện trong năm 2017 khó hoàn thành. Đơn cử như đối với ô tô Trường Hải, theo kế hoạch dự kiến năm 2017 nộp ngân sách là 9.600 tỷ đồng, khả năng đến cuối năm chỉ đạt được khoảng 6.700 tỷ đồng, như vậy mới chỉ đạt 70% kế hoạch đã được giao", ông Trần Đình Tùng nhấn mạnh.
Điều này khiến cho số thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam hụt khoảng 3.000 tỉ đồng.
Đứng trước tình hình này, ông Tùng cho biết: "Quảng Nam đang xây dựng phương án về điều chỉnh thu chi ngân sách 2017. Theo đó, Quảng Nam phấn đấu tăng thu các khoản khác được với con số dự báo được khoảng 700 tỉ đồng, ngoài ra tiết kiệm chi hoặc hoãn, giảm chi khoảng 600 tỉ đồng. Như vậy, Quảng Nam vẫn còn hụt thu 1.600 tỉ đồng".
Để giải quyết vấn đề này, đại diện tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, đồng thời xem xét đưa thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.
Đối với các loại xe bán tải phù hợp với điều kiện kinh doanh vì vừa có tính chất xe chở hàng và vừa là xe du lịch, vì vậy đại diện tỉnh Quảng Nam kiến nghị nên đưa loại xe bán tải vào loại hình xe du lịch từ đó đưa ra mức thuế phù hợp để có sự tác động đối với dòng xe nhập khẩu này.
Ngoài ra, đứng trước tình hình hụt thu ngân sách, nên từ nay đến cuối năm Quảng Nam phấn đấu sẽ tăng thu, giảm chi, tuy nhiên đại diện tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ địa phương phần hụt thu trên để cân đối chi cho an sinh xã hội.
Theo báo cáo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương, cơ quan này đề xuất Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Hiện, xe bán tải nhập vào Việt Nam chỉ chịu thuế NK 5%. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi – lanh dưới 2,5 lít là 15%; 2,5-3 lít là 20% và trên 3 lít là 25%. Mức phí trước bạ đang áp dụng với loại xe này là 2%...